Nên hay không đặt 'điểm sàn' cho tuyển sinh lĩnh vực pháp luật?

Quý Hiên
Quý Hiên
28/08/2023 19:21 GMT+7

Theo đề xuất của Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo ĐH lĩnh vực pháp luật, chuẩn đầu vào của các ngành lĩnh vực này nên ở mức tối thiểu 6,5 điểm/môn xét tuyển. Đề xuất này đã gây tranh cãi.

Hôm nay 28.8, tại Trường ĐH Luật Hà Nội đã diễn ra tọa đàm lấy ý kiến về chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH. Tại tọa đàm, Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo ĐH lĩnh vực pháp luật đề xuất "điểm sàn" tuyển sinh lĩnh vực pháp luật nên ở mức tối thiểu 6,5 điểm/môn xét tuyển. Đề xuất này đã gây tranh cãi.

Nên hay không việc đặt "điểm sàn" cho tuyển sinh lĩnh vực pháp luật? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm

VŨ NGA

Đề xuất "điểm sàn" 6,5 điểm/môn xét tuyển

Mở đầu tọa đàm, PGS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, đại diện Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo ĐH lĩnh vực pháp luật (Hội đồng tư vấn) báo cáo về quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo, nội dung dự thảo chuẩn. 

Một trong số những nội dung dự thảo chuẩn được PGS Vũ Thị Lan Anh trình bày là nội dung chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nhóm ngành luật (luật hiến pháp và luật hành chính, luật dân sự và tố tụng dân sự, luật hình sự và tố tụng hình sự, luật kinh tế, luật quốc tế) và nhóm ngành khác.

Nên hay không việc đặt "điểm sàn" cho tuyển sinh lĩnh vực pháp luật? - Ảnh 2.

PGS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, đại diện Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo ĐH lĩnh vực pháp luật

VŨ NGA

Theo PGS Vũ Thị Lan Anh, Hội đồng tư vấn đề xuất, người học các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực pháp luật ngoài việc đáp ứng điều kiện tốt nghiệp THPT hoặc trình độ tương đương trở lên còn phải đảm bảo một số điều kiện khác.

Cụ thể, các tổ hợp môn xét tuyển phải bao gồm ít nhất 2 trong số các môn học sau: toán, văn, lý, sử, ngoại ngữ. Trường hợp xét tuyển theo tổ hợp các môn dựa trên kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT thì mỗi môn xét tuyển phải đạt từ 6,5 điểm trở lên (theo thang điểm 10). 

Cơ sở đào tạo có thể quy định chuẩn đầu vào dựa trên đánh giá hồ sơ dự tuyển, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, hoặc những yêu cầu cụ thể về kiến thức, năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm đối với người học từng chương trình đào tạo, nhưng phải bảo đảm người học đáp ứng các điều kiện về môn học và điểm số nêu trên.

Hội đồng tư vấn cũng đề xuất việc khuyến khích những người đã có một bằng ĐH theo học các chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật. Người dự tuyển tất cả các hình thức đào tạo trình độ ĐH lĩnh vực pháp luật đều phải đáp ứng các điều kiện nói trên.

Sẽ ảnh hưởng tới tuyển sinh của các trường địa phương

Tuy nhiên, một số đại biểu không ủng hộ đề xuất này. Theo PGS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, riêng ngành luật Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM từ nhiều năm năm nay không có năm nào điểm chuẩn dưới mức 24, nên chuẩn đầu vào mà Hội đồng tư vấn đề xuất ở trên không ảnh hưởng gì tới việc tuyển sinh của trường.

Tuy nhiên, chuẩn này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các trường địa phương, trong khi đó, nhu cầu đào tạo ngành pháp luật ở các địa phương là rất lớn và phần nhiều do các trường ĐH ở các địa phương đảm nhiệm.

Nên hay không việc đặt "điểm sàn" cho tuyển sinh lĩnh vực pháp luật? - Ảnh 3.

PGS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

VŨ NGA

PGS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng trước khi ban hành chuẩn cần đánh giá tác động của các yêu cầu đặt ra trong chuẩn. 

Chẳng hạn, với quy định về chuẩn đầu vào không dưới 6,5 điểm/môn xét tuyển, cần phải xem xét nó sẽ tác động tới xã hội thế nào? Ví dụ, có một thí sinh rất yêu ngành luật và đạt điểm rất cao, 26 điểm, nhưng trong đó 2 môn mỗi môn được 10 điểm, môn còn lại được 6 điểm, thì phải chăng em đó không bao giờ có cơ hội bước chân vào bất kỳ ngành luật của trường nào hay sao?

Cần phải hướng tới mục tiêu chất lượng

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong các lĩnh vực đào tạo, lĩnh vực pháp luật là rất quan trọng. Trong nghị quyết của Đảng khi nói về những lĩnh vực trọng yếu thì đã có nói đến lĩnh vực pháp luật. Với dư luận xã hội, khi nói về những lĩnh vực quan trọng người ta thường nghĩ ngay đến lĩnh vực sức khỏe.

Nên hay không việc đặt "điểm sàn" cho tuyển sinh lĩnh vực pháp luật? - Ảnh 4.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vấn đề nâng cao đào tạo chất lượng nhân lực lĩnh vực pháp luật được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư chỉ đạo rất quyết liệt

VŨ NGA

"Luật có kém quan trọng hơn bác sĩ không? Một bác sĩ không giỏi thì có thể ảnh hưởng tới tính mạng của một số bệnh nhân. Nhưng một dòng luật làm sai, hoặc một quy định luật được triển khai, thì tác động tôi cho là lớn hơn rất nhiều", Thứ trưởng Sơn đặt vấn đề.

Theo Thứ trưởng Sơn, lĩnh vực pháp luật rất quan trọng với sự phát triển của đất nước. Muốn đổi mới về thể chế, phát triển nguồn nhân lực… phải từ pháp luật mà ra. Vì thế, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một mục tiêu rất quan trọng. 

Thứ trưởng Sơn cho biết, trong vấn đề nâng cao đào tạo chất lượng nhân lực pháp luật, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư chỉ đạo rất quyết liệt và Bộ GD-ĐT đã bị phê bình rất nhiều lần do để cho tình trạng đào tạo ngành luật "trăm hoa đua nở" như hiện nay. Đặt ra yêu cầu cao, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, cũng là xác đáng.

"Cho nên, phải nâng cao, phải siết chặt chất lượng. Chất lượng bắt đầu từ đầu vào. Không thể nói đầu vào thế nào cũng được, nhưng lại nói là chất lượng cao. Đào tạo sức khỏe, đào tạo giáo viên có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, sao ngành luật lại không có? Trong luật chưa đưa vào, nhưng nếu thấy cần thiết thì có thể đề xuất đưa vào. Trước khi đưa vào thì có thể đưa vào trong chuẩn chương trình", Thứ trưởng Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.