'Nền kinh tế âu lo' của mẹ bỉm sữa thành phố

03/06/2018 12:06 GMT+7

Theo nghiên cứu sơ bộ của TS Nguyễn Thu Giang (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), sự lo lắng của người mẹ về thực phẩm không an toàn đã phần nào thúc đẩy mua bán trên mạng.

Cùng nhau ăn sạch
“Em mua thịt cho cả nhà, chỗ này thịt lợn sạch bảo đảm. Ăn rất khác với thịt mua ngoài chợ đấy ạ. Các chị có ai mua cùng, tiện công em gom luôn”, chị Ngọc Thu chia sẻ trên tài khoản Facebook của mình. Việc bán hàng online của chị bắt đầu như vậy.

Thoạt tiên chỉ là chị em trong cơ quan gom đơn mua cho đỡ tiền công vận chuyển mỗi tuần 1 lần. Sau đó, khi đơn hàng nhiều lên, chị bắt đầu bán đều hơn, tuần 2 chuyến thịt lợn sạch. Hiện nay, ngoài thịt, chị cũng nhận bán thêm cả giò, chả, xúc xích sạch cũng từ nguồn trang trại kia. Chị Ngọc Thu cho biết, khách hàng thường mua là mua tiếp, vì cảm nhận thịt ngọt thơm.
Những âu lo về thực phẩm bẩn, theo TS Nguyễn Thu Giang, phần nào đã khiến nhiều người thấy bấp bênh. Họ tổ chức lại cuộc sống trên cơ sở đó. Người thì trồng lấy rau. Người mang hộp cơm đi làm. Họ cũng mua thực phẩm sạch ở trên mạng nhiều hơn. “Khi tôi phỏng vấn, hầu hết các mẹ nói bắt đầu ăn thực phẩm sạch từ khi họ làm mẹ”, nữ TS chia sẻ. Thậm chí, có những gia đình chia thực phẩm sạch thành mấy cấp độ. Loại tự trồng trên ban công, không có nhiều, ưu tiên trẻ nhỏ. Bố mẹ cũng ăn thực phẩm sạch nhưng mua ở siêu thị…
Cũng theo TS Giang, việc lo lắng thực phẩm bẩn, tìm kiếm thực phẩm sạch này đã khiến mạng lưới các "bà mẹ online" hình thành. “Nó được tham chiếu bởi nỗi lo sợ. Nó điều phối bằng tình yêu sâu sắc với con cái. Họ rủ nhau mua chung thịt lợn sạch. Và vì một con lợn rất to nên mỗi phần thịt chia ra mười mấy ki lô gam. Một tí thịt mông, một tí xương, một tí vai. Có người nói đã thức tới 12 giờ đêm để chia ra cất tủ lạnh”, TS Giang nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, tuy không được xếp ưu tiên cao như trẻ nhỏ, song đàn ông và người già cũng được các mẹ bỉm sữa quan tâm khi mua hàng. Chẳng hạn, các mặt hàng như thuốc giải độc gan, glucosamine… bán rất chạy. “Em thấy cũng nhiều nhà như nhà em. Chị em ở Úc gửi thuốc bổ về cho bố mẹ em uống, cho anh trai em uống. Rồi sau đó, thấy tốt, họ hàng bạn bè nhờ mua. Nên giờ em bán, hàng chị em gửi về”, chị Thu Hà chia sẻ.
Nghề tay trái mới
Theo TS Giang, điều thú vị nhất là thị trường hàng xách tay rất sôi động. “Cái thú vị nhất là thị trường hàng xách tay. Nó dựa trên lịch sử hàng xách tay của VN đã phát triển hàng chục năm. Chúng ta đã dùng bàn là, phích đá mang từ Liên Xô về hàng chục năm rồi. Nên giờ đây nó tiếp nối rất bình thường. Nho Mỹ, táo Úc, lê Úc. Hàng của Anh được xếp vị trí cao nhất… ”, TS Giang chia sẻ.
Cũng theo nghiên cứu của TS Giang, cùng với việc tìm mua thực phẩm sạch từ khi làm mẹ, cũng có nhiều người trở thành người bán hàng trên mạng từ đó. “Chỉ khi có con em mới bán hàng online. Lựa chọn này đến rất tự nhiên. Em ở nhà trông con, nên bán thêm để có thêm thu nhập”, TS Giang nhớ lại. Trong nghiên cứu của TS Giang cũng có những bà vợ nghỉ việc tạm ở cơ quan để phát triển việc bán hàng trên mạng. Chồng họ cũng tham gia phân phối hàng giúp vợ. Sau đó, khi hệ thống bán hàng định hình chắc chắn, có những chân rết phân phối bền vững, họ quay lại việc làm cũ, đồng thời làm cả 2 việc.

Không chỉ thịt lợn sạch, gà quê, cá biển, lươn đồng… cũng trở thành mặt hàng của chợ trên mạng xã hội. Không phải mặt hàng nào cũng có chứng nhận chất lượng. Tuy nhiên, các mẹ dễ dàng tin nhau sau vài lần mua thử, cũng như qua bảo chứng của bạn bè. Các mẹ thậm chí còn gom mua chung cả đồ chơi, sách vở, bút chì màu cho con nữa.
Điều thú vị là với nghề mới bán hàng trên mạng này, người bán không bao giờ tách rời thiên chức làm mẹ. Họ vẫn dùng giọng người mẹ khi cập nhật thông tin hàng hóa, đưa vào đó những câu chuyện tiêu dùng của chính gia đình mình, con mình. Họ giới thiệu hàng rất tha thiết. Có những thông tin còn kể cả chuyện con mình, ảnh con mình. Việc sử dụng hình ảnh con để bán hàng có thể nói là rất nhiều. “Nó là kinh tế của lòng tin. Việc đưa những bức ảnh đời sống bên lề lên trang vẫn dùng bán hàng cho cảm giác là người mẹ có thật. Người mua cũng vào hỏi han và đặt hàng. Cũng có cả việc sử dụng những nhận xét sản phẩm của các bà mẹ khác khi bán hàng. Cảm giác tin cậy, có thật đó thúc đẩy bán hàng”, TS Giang nói.
Theo TS Giang, việc mua bán trên mạng để yên tâm hơn cho thấy rõ ràng một mảng kinh tế mạng đã hình thành trên sự lo âu của người mẹ. Hơn thế nữa, nó khẳng định lại vai trò trong gia đình: “Người mẹ là chiến binh đầu tiên về quản trị sức khỏe và giáo dục”, TS Giang nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.