Bầu chọn
Theo bạn, có nên loại vàng khỏi hệ thống ngân hàng thương mại hay không?
Theo bạn, có nên loại vàng khỏi hệ thống ngân hàng thương mại hay không?
Hôm qua 23.4, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố báo cáo thường niên Triển vọng kinh tế VN năm 2014: Thể chế và minh bạch, đề cập đến các chính sách về kinh tế vĩ mô, tài chính - ngân hàng, các ngành kinh tế cũng như phương diện thể chế, pháp luật trong kinh tế và kinh doanh... Thanh Niên lược đăng những thông tin liên quan đến thị trường vàng - thị trường đang được rất nhiều độc giả quan tâm.
Việt Nam là một trong số 24 quốc gia có nhu cầu vàng lớn được Hội đồng vàng thế giới thống kê. Cầu vàng của nền kinh tế gia tăng qua các năm đã tác động lên tính độc lập trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
NH còn giữ vàng, còn rủi ro
|
Việc huy động vốn vàng chỉ nảy sinh khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài năm 2006. Các ngân hàng thương mại (NHTM) năng động đã chụp lấy cơ hội này để chuyển đổi vàng sang tiền đồng, đầu tư tiền tệ, kiếm được lãi suất cao. Lãi suất liên ngân hàng cũng đã có lúc lên đến 24%/năm. Tình trạng các NHTM thừa vốn lao vào đầu cơ tiền tệ đã xảy ra và cao điểm là các đại án Huyền Như, bầu Kiên...
Hệ thống NHTM nắm giữ một lượng vàng quá lớn làm cho tính hiệu quả của chính sách tiền tệ giảm hiệu lực. Đứng trước tình trạng này, NHNN đã thực hiện những giải pháp để loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống NH như chấm dứt vàng tài khoản năm 2010 và tất toán trạng thái vàng huy động... Tuy nhiên, những chính sách này đã chưa giải quyết rốt ráo những bất ổn trong cầu vàng và giá vàng.
Điển hình, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế gia tăng, có thời điểm, vàng trong nước cao hơn thế giới tới gần 5 - 7 triệu đồng/lượng. Các NHTM đối mặt với rủi ro khi phải mua vàng giá cao để trả lại cho người gửi vàng với giá trị lên đến trên 2 tỉ USD. Nhiều ảo thuật tài chính đã được tung ra để kéo dài thời gian tất toán. Hoạt động này chỉ có thể hoàn tất khi NHNN thực hiện nhập khẩu và tổ chức bán đấu thầu vàng miếng.
Ngân hàng còn giữ vàng là còn rủi ro - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng nỗ lực trong việc loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hệ thống tài chính NH là một chủ trương đúng, giúp chính sách tiền tệ của NHNN phát huy tính hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, theo GS Thơ, hiện nay hệ thống NHTM vẫn chứa đựng những rủi ro này khi nhiều đơn vị vẫn thực hiện việc đầu tư kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. "Ngày nào hệ thống NH còn nắm giữ vàng thì những bất ổn luôn tiềm ẩn. Những ảo thuật tài chính tiếp tục được các nhà quản trị cấp cao trong NH kiến tạo", ông Thơ nói.
Thành lập định chế tài chính chuyên biệt về vàng
|
Nhận định về những sự ổn định của thị trường vàng (chênh lệch giá vàng được thu hẹp, cầu vàng giảm) sau khi NHNN thực hiện đấu thầu vàng miếng, TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng “còn quá sớm để đánh giá thành quả này".
Ông Chí phân tích, việc thu hẹp chênh lệch và cầu vàng hạ nhiệt bởi giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm giá. Mức giảm đến nay khoảng 30%, có thời gian xuống tới 36% so với mức đỉnh. Giả sử giá vàng thế giới trở lại xu hướng tăng giống như giai đoạn trước khủng hoảng 2008 (trung bình mỗi năm 15%) thì nhu cầu giữ vàng trong nền kinh tế sẽ gia tăng. Điều đáng nói là hiện có đến 22 NHTM đang được phép đầu tư kinh doanh vàng nên tiền huy động có thể được chuyển sang vàng miếng thông qua nghiệp vụ này. Mặc dù quy định trạng thái vàng của hệ thống NH không quá 2% vốn chủ sở hữu, nhưng các NH có thể sử dụng các công ty con hay các công ty “thân hữu” được phép kinh doanh vàng để lưu giữ lượng vàng miếng lớn hơn quy định. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc đấu thầu vàng miếng của NHNN vì dự trữ ngoại hối hạn hẹp.
Chính vì vậy, theo GS Thơ: “NHNN không nên ngần ngại về mặt quan điểm và nên khẳng định vàng là tiền. Từ đó, toàn bộ các hoạt động liên quan đến sở hữu và kinh doanh vàng có ảnh hưởng đến cung tiền của nền kinh tế cần phải do nhà nước quản lý và điều hành theo chuẩn mực chung của các NH trung ương trên thế giới. Phải mạnh dạn loại bỏ hoàn toàn vàng ra khỏi hệ thống NHTM để NHNN quản lý cung và cầu trong nền kinh tế, cũng như thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ”.
Về giải pháp cho thị trường vàng, báo cáo đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đề nghị NHNN nên thành lập một “định chế tài chính chuyên biệt - SPV”. SPV có chức năng quản lý một phần tài sản quốc gia dưới hình thức dự trữ ngoại hối bằng vàng. Vai trò của SPV là thực hiện trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu vàng, không chỉ vàng miếng như hiện nay mà ngay cả vàng nữ trang. Đồng thời, SPV trực tiếp sản xuất vàng miếng thay vì ký hợp đồng với Công ty SJC; kiểm định chất lượng vàng lưu thông theo tiêu chuẩn đăng ký; tổ chức mua và bán vàng miếng và vàng nữ trang.
Nguyên Hằng (lược ghi)
>> Chấn chỉnh thị trường vàng nữ trang, mỹ nghệ
>> Quản lý thị trường vàng vẫn chưa đạt mục tiêu quan trọng
>> Thị trường vàng trong nước trầm lắng
>> Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật
>> Không để đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng
Bình luận (0)