Nên phát triển thật nhanh xe buýt

24/04/2016 07:00 GMT+7

Trong vấn đề giao thông công cộng ở Hà Nội và TP.HCM, lâu nay các cơ quan kỳ vọng quá nhiều vào các dự án đầu tư tàu điện ngầm, tàu điện trên cao (gọi chung là MRT).

Trong vấn đề giao thông công cộng ở Hà Nội và TP.HCM, lâu nay các cơ quan kỳ vọng quá nhiều vào các dự án đầu tư tàu điện ngầm, tàu điện trên cao (gọi chung là MRT). 

Cần nhanh chóng xoay trọng tâm giao thông đô thị sang xe buýt - Ảnh: Diệp Đức MinhCần nhanh chóng xoay trọng tâm giao thông đô thị sang xe buýt - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trong điều kiện VN, đầu tư MRT quá đắt, thời gian quá lâu. Theo tổng mức đầu tư điều chỉnh của hai tuyến số 1 và số 2 ở TP.HCM, bình quân 1 km MRT tốn tới 146,5 triệu USD. 19,7 km tuyến số 1 tốn 2,47 tỉ USD. 11,3 km tuyến số 2 tốn 2,074 tỉ USD. Dựa trên đơn giá đầu tư bình quân hai tuyến này, 6 tuyến MRT với chiều dài 107 km ở TP.HCM sẽ tốn khoảng 15 - 16 tỉ USD. Với tiềm lực tài chính của nước ta, phần lớn tiền đầu tư cho MRT là vốn vay ODA, hết đời con đến đời cháu của chúng ta cũng chưa làm nổi ngần đó ki lô mét đường MRT.
Cần nhanh chóng xoay trọng tâm giao thông đô thị sang xe buýt. Xe buýt mới là loại phương tiện giao thông công cộng có khả năng phủ kín đô thị, ngay cả ở Singapore, Hồng Kông. Đô thị nào có MRT phát triển lắm thì cũng chỉ có trên dưới 10 tuyến, với một vài trăm ga. Nhưng số lượng bến xe buýt thì nhiều hơn hàng chục lần, phủ kín đô thị. Singapore có 4.684 bến xe buýt và 17.500 xe. Hồng Kông có 5 công ty xe buýt (đều là tư nhân) với gần 10.000 xe, với 2 loại xe: buýt lớn chạy trên các phố lớn, "minibus" (16 chỗ) chạy trên các phố, hẻm nhỏ.
Hà Nội và TP.HCM nên phát triển thật nhanh xe buýt. Nếu mỗi TP có 30.000 chiếc xe buýt lớn, nhỏ là đủ để phủ kín và thay thế được xe máy. So với MRT, đầu tư xe buýt rẻ và nhanh gấp nhiều lần. 2,47 tỉ USD mới chỉ đủ làm 19,7 km tuyến MRT số 1, nhưng đã đủ để mua 30.000 xe buýt. Vấn đề là, với số lượng xe máy bình quân 1.800 chiếc/km đường ở TP.HCM, xe buýt không còn đường thoáng để chạy nhanh và an toàn.
Nói các đô thị nước ta thiếu đường cho giao thông công cộng, cụ thể là cho xe buýt là không có cơ sở. TP.HCM rộng 2.095 km2, dân số 8,2 triệu người và có 3.670 km đường. Hồng Kông rộng 1.100 km2, dân số 7,3 triệu người và có 2.000 km đường. Dựa trên tổng số phương tiện ô tô đăng ký, 1 km đường ở Hồng Kông "gánh" 318 xe ô tô, ở TP.HCM là 136 xe ô tô, rất thấp so với Hồng Kông; nếu tính thêm cả xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn còn thấp hơn vài lần. Ở Hồng Kông, 0,55 km2 diện tích đô thị có 1 km đường, ở TP.HCM con số này là 0,57, có thể coi là tương đương. Đối với Hà Nội mở rộng, bình quân mỗi ki lô mét đường mới chỉ "gánh" 70 xe ô tô. TP.HCM chỉ cần đầu tư 3 - 4 tuyến đường cao tốc trên cao xuyên TP là ổn. Cái này đã có trong quy hoạch rồi, không hiểu tại sao chưa triển khai?
Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và khoảng 150 TP khác ở Trung Quốc đã cấm xe máy. Hà Nội và TP.HCM cần sớm xây dựng một lộ trình hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe máy sau 10 - 15 năm, tối đa 20 năm. Giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, sẽ được phát triển đồng bộ theo lộ trình đó. Khi có lộ trình hạn chế, tiến tới loại bỏ xe máy, tư nhân sẽ đầu tư phát triển xe buýt, đừng lo không có ai làm. Ở nơi nào không có xe máy thì xe buýt sẽ có lãi, đầu tư xe buýt sẽ trở nên hấp dẫn đối với đầu tư tư nhân, nhà nước thậm chí không cần tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.