Nên quản sim rác thay vì quản lý tin nhắn

13/06/2015 09:00 GMT+7

Trong khi không có giải pháp cho vấn đề gốc rễ là kiểm soát sim rác, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông, lại đưa ra giải pháp khống chế tần suất tin nhắn, khiến khách hàng có thể bị thiệt hại.

Trong khi không có giải pháp cho vấn đề gốc rễ là kiểm soát sim rác, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông, lại đưa ra giải pháp khống chế tần suất tin nhắn, khiến khách hàng có thể bị thiệt hại.

Trả lời Thanh Niên vào chiều qua (12.6), ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết để ngăn chặn vấn nạn thư rác hoành hành, Cục đang soạn dự thảo quyết định về “Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn và quy định về xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác”. Trong đó, đáng chú ý nhất là giải pháp hạn chế tần suất nhắn tin trong khoảng thời gian nhất định. Dự thảo quyết định về chặn tin nhắn rác thông qua giải pháp kỹ thuật khống chế tần suất 5 tin nhắn/5 phút, 50 tin nhắn/ngày.
Lắm phiền hà
Quy định này không phải hạn mức mà là tần suất. Tức cứ trong vòng 5 phút thì được gửi 5 tin nhắn. Nhưng nó chỉ áp dụng đối với các đối tượng nhắn tin quảng cáo, không áp dụng cho các khách hàng bình thường của nhà mạng
Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thanh Hải
Theo ông Hải, qua kiểm tra thử tại một số nhà mạng như Vietnammobile, tần suất nhắn tin nhanh nhất của một người trong vòng 1 phút có thể lên tới 30 - 50 tin nhắn. Với một số nhà mạng khác như Viettel, Vinaphone thì thấp hơn chút ít. Dựa vào đó, Cục dự định có thể chống thư rác bằng việc quy định khống chế tần suất.
“Hiểu đúng tinh thần thì quy định này không phải hạn mức mà là tần suất. Tức cứ trong vòng 5 phút thì được gửi 5 tin nhắn. Nhưng nó chỉ áp dụng đối với các đối tượng nhắn tin quảng cáo, không áp dụng cho các khách hàng bình thường của nhà mạng”, ông Hải nói. Theo lãnh đạo này, để tránh xử lý nhầm giữa các “đầu nậu” phát tán tin nhắn rác và người dùng bình thường, quy định sẽ yêu cầu các công ty viễn thông phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung một cách hiệu quả theo quy định. Đồng thời, phải chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác và cập nhật cho hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác.
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, nhiều nhà mạng cũng đã cho biết họ lo ngại việc chặn như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới các khách hàng bình thường. Đại diện Viettel cho rằng, không nên đặt giới hạn tần suất với khách hàng bình thường do hiện nay nhiều người có nhu cầu nhắn tin số lượng lớn, nếu đăng ký hạn mức sẽ gây phiền hà. Đơn cử, các thuê bao là học sinh, sinh viên chỉ với 2.500 đồng được sử dụng tới 200 tin nhắn mỗi ngày. Do đó, việc mỗi ngày khách hàng bình thường nhắn tới 100 - 200 tin nhắn là bình thường. Nếu áp dụng hạn mức tin nhắn sẽ có tác động lớn đến đối tượng này. Còn cả MobiFone và Vietnamobile đều cho rằng, với quy định các thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức phải thực hiện đăng ký với doanh nghiệp viễn thông di động, thì việc đăng ký sẽ gây phiền hà khi khách hàng phát sinh nhu cầu nhắn tin số lượng lớn.
Còn nhiều lỗ hổng

Các nước họ không phải chiến đấu nhiều với tin nhắn rác vì sim họ quản rất chặt.

Cuộc chiến chống thư rác sẽ còn cam go, và khó khăn cho đến khi nhà nước thực sự vào cuộc, mạnh tay để ngăn chặn được sim rác

Giám đốc VNCERT
Vũ Quốc Khánh

Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT), cho rằng việc đặt quy định khống chế theo tần suất là cách quản lý có thể thực hiện được, nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng. Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia sẽ ban hành quy định như vậy trong một văn bản pháp lý, rồi có thể trực tiếp kiểm soát online. Khi phát hiện tin nhắn rác vượt quy định thì khóa thuê bao. Về mặt kỹ thuật, theo ông Khánh, nhà mạng có thể làm được. Nhưng thực tế việc kiểm soát theo nội dung các tin nhắn, các “keyword” được cho là quảng cáo không đơn giản, đặc biệt dễ dẫn tới hậu quả có thể chặn cả số thuê bao của khách hàng bình thường nhắn tin cho nhau. Theo ông Khánh, nếu không kiểm soát được sẽ gây thiệt hại cho người dùng.
Vào tháng 4, Thanh Niên đăng bài “Rác” không chặn, chặn tin nhắn “sạch” phản ánh tình trạng nhiều khách hàng mạng di động MobiFone rất bức xúc vì vô cớ bị chặn tin nhắn gửi đi. Theo nhà mạng này giải thích, đó là do chặn tin nhắn rác. Tuy nhiên, khi đó, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, đã cảnh báo: “Chặn một cách máy móc thì rất nhiều khách hàng bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp”.
Vẫn theo ông Khánh, hiện nay doanh thu, lợi nhuận từ tin nhắn rác của các nhà mạng không hề nhỏ. Một thống kê của VNCERT cho thấy, phần lớn tin nhắn rác được phát tán từ các nhà mạng, còn đối với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) lại không đáng kể. Thậm chí, một chuyên gia khác khi trao đổi với Thanh Niên cũng cho rằng, tỷ lệ ăn chia dịch vụ giữa các nhà mạng và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) dao động từ 55 - 75%, trong đó phần lớn thuộc về nhà mạng.
Vấn đề cốt lõi
Theo bản tin của Cục An toàn thông tin công bố ngày 5.6, tỷ lệ gửi thư rác của VN đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nga. Cụ thể, bản tin định kỳ An toàn thông tin tháng 5 của cục này dẫn nguồn từ hãng bảo mật của Nga
Kaspersky cho thấy, cứ 100 thư rác được gửi đi trên thế giới thì có 4,8 thư rác xuất phát từ VN.
Từ những phân tích về quyền lợi và trách nhiệm như vậy, theo ông Vũ Quốc Khánh, việc các nhà mạng còn dè dặt, chưa mạnh tay với chống thư rác là điều dễ hiểu. Do đó, cuộc chiến này phải đặt lên vai các cơ quan quản lý nhà nước vì quyền lợi thực sự của người dân. Giải pháp căn cơ nhất, theo lãnh đạo của VNCERT phải có quy định chế tài xử lý người gửi tin nhắn rác. Ai gửi thì người đó phải chịu trách nhiệm, còn không quy định thì họ sẵn sàng vi phạm. Muốn vậy, thì vẫn phải quay lại câu chuyện “làm thế nào để quản lý được sim rác”.
“Các nước họ không phải chiến đấu nhiều với tin nhắn rác vì sim họ quản rất chặt. Mặc dù, vẫn có số sim nhất định bán chui bán lủi, các đối tượng này vẫn phát tán tin nhắn rác nhưng đa số người dân họ không làm như vậy”, ông Khánh khẳng định. Trong khi đó tại VN, các đại lý bán sim quá thoải mái trong việc bán sim rác. Người dùng có thể dùng bất cứ chứng minh thư nào để đăng ký, do vậy không ai quản, không ai biết và sim rác vẫn tràn lan. “Cuộc chiến chống thư rác sẽ còn cam go, và khó khăn cho đến khi nhà nước thực sự vào cuộc, mạnh tay để ngăn chặn được sim rác”, ông Khánh khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.