“Nếu nhà mạng không hợp tác với cơ quan quản lý thì việc chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo sẽ rất khó giải quyết”, là nhận định của một chuyên gia thuộc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT, Bộ Thông tin - Truyền thông) về trách nhiệm của các nhà mạng trước nạn tin nhắc rác bùng phát ngày càng dữ dội.
Những năm gần đây, tin nhắn rác gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, các doanh nghiệp viễn thông cũng cam kết sẽ “kiên quyết” nhưng vấn đề chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân của vấn đề được xác định đến từ nhiều phía, nhưng như nhận xét trên thì một trong những trở ngại lớn nhất chính là lợi ích quá lớn của nhà mạng. Đó là do nhà mạng chiếm tỷ lệ ăn chia từ 55 - 75% đối với nguồn tin nhắn từ các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CPS).
Theo một tính toán được Công ty an ninh mạng Bkav công bố ước tính số tiền thiệt hại do mã độc gửi tin nhắn đến đầu số thu phí lên tới 3,9 tỉ đồng mỗi ngày, phần lớn trong số tiền này rơi vào túi nhà mạng. Các nguồn tin nhắn rác lớn nhất đã được xác định đến từ lượng sim rác trôi nổi trên thị trường, vốn cũng do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng, dù các quy định về việc siết chặt quản lý sim trả trước đã có từ lâu.
Tại Hội nghị về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo do Sở TT-TT Hà Nội tổ chức chiều qua (3.2) ông Nguyễn Xuân Trụ, Cục phó Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cũng đã phải kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông biến các cam kết, quyết tâm của mình thành việc làm cụ thể để hạn chế bớt được tin nhắn rác.
Sự kêu gọi ấy xuất phát từ một thực tế rằng cuộc chiến chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hay những biến tướng mới đây là cuộc gọi lừa đảo đòi hỏi sự chung tay của các nhà mạng và cơ quan quản lý. Bởi như đã nói ở trên, lợi ích của các nhà mạng gắn liền với tin nhắn rác. Nhưng đó chỉ là lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài của chính các nhà mạng phải được gắn với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, điều dường như các mạng di động của VN đang quên mất.
Ở những quốc gia khác nếu khách hàng không hài lòng họ có thể chuyển sang mạng di động khác nhưng vẫn sử dụng đầu số cũ. Thậm chí khách hàng có thể khởi kiện nếu như các nhà mạng không đảm bảo dịch vụ sạch cho khách hàng. Trong khi chờ đợi dịch vụ “chuyển mạng giữ số” được triển khai ở VN người dùng chỉ còn biết mong chờ các nhà mạng thực sự ý thức được tương lai của họ nằm trong việc họ có trân trọng các khách hàng hiện tại hay không.
Bình luận (0)