Trong cuộc tọa đàm “Mùa toán - từ những chiều ẩn giấu” với tên gọi Cuộc cách mạng công nghệ Pi được Viện nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức chiều qua, 12.8, các khách mời nổi tiếng gồm ông Trương Gia Bình, PGS Phan Toàn Thắng, GS Dương Nguyên Vũ đã chia sẻ với GS Ngô Bảo Châu và cộng đồng toán học về thời cơ của những người học toán, làm toán khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm cho thế giới thay đổi quá nhanh.
tin liên quan
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Một thế hệ toán học trẻ đầy triển vọngSự kiện đội tuyển học sinh Việt Nam thi Olympic toán học quốc tế tại Brazil đạt kết quả cao nhất trong 43 năm Việt Nam tham gia kỳ thi này khiến dư luận phấn chấn.
Trong phần mở đầu của tọa đàm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, gửi tới những người học và làm toán lời chúc mừng với lý do “thời của các bạn, và cũng có thể là thời của VN, đã đến!”.
Ông Bình giải thích: "Thế giới thay đổi chủ yếu dựa vào những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Tiến bộ lần này chính là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và nền tảng của nó là toán. Tôi nghĩ chúng ta phải cảm ơn GS Tạ Quang Bửu và các nhà lãnh đạo tiền bối đã từng coi toán là môn “vua”. Vào thời điểm này thì điều đó chính xác, bởi với cách mạng 4.0, nếu chúng ta tiếp tục xem toán học là môn vua thì toán học sẽ đưa Việt Nam tới tương lai".
Ông Bình cũng chia sẻ, cách đây khoảng 2 tuần, khi gặp một người đứng đầu một tập đoàn sản xuất
máy bay lớn nhất thế giới thì người này phàn nàn rằng Apple đã “hút” hết tiến sĩ toán của họ với chính sách lương cao gấp 2 - 3 lần. Còn lãnh đạo một tập đoàn lớn của Hàn Quốc khác khi sang Việt Nam thì ngỏ ý muốn tìm các chuyên gia toán để hợp tác. Vị này cũng tỏ ra băn khoăn là tại sao người Việt Nam giỏi toán.
|
“Tôi giải thích, thời chiến tranh, chúng tôi có một ông bộ trưởng coi toán là vua, vì thế chúng tôi cũng coi toán là vua. Hệ lụy của nó là cứ ai giỏi toán thì được phụ nữ mê, nên chúng tôi càng thi đua học toán, và phong trào đó nó đã sống được đến tận bây giờ”, ông Bình dí dỏm.
Dẫn ví dụ cho thấy thế giới ngày nay thay đổi nhanh đến mức nào nhờ việc internet kết nối vạn vật (như Singapore hiện đã có những khu vực dành riêng cho xe ô tô không người lái), ông Bình nói: “Việc của các bạn học toán, làm toán là làm thế nào kết nối được toán với sự thay đổi chóng mặt đó! Nếu kết nối được thì thế giới sẽ đến với chúng ta. Tôi biết có nhiều tập đoàn lớn đã đặt vấn đề làm “những cái đầu tiên”, chẳng hạn ngân hàng IT, y tế conect… ở Việt Nam, vì họ cho rằng Việt Nam là đất nước có nguồn nhân lực toán học tốt, và có sự cởi mở về mặt pháp luật. Nếu chúng ta nhận thức ra thì cơ hội sẽ đến, và đến rất là nhanh”.
PGS Phan Toàn Thắng,người phát minh sáng chế tạo tế bào gốc từ dây rốn, hiện đang làm việc ở Singapore, cũng chia sẻ: “Ở Singapore, trong các bệnh viện, các bác sĩ có thể đứng bất kỳ chỗ nào cũng có thể tiếp cận được hồ sơ của bệnh nhân thông qua các kết nối internet vạn vật. Đang có một xu hướng nữa đó là trí tuệ nhân tạo đọc được các chuẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh lý (không cần bác sĩ đọc). Việt Nam có thể đón đầu, có thể trở thành một trung tâm của thế giới về kho dữ liệu. Ấn Độ đã làm được rồi và không có lý do gì chúng ta không làm được”.
Cũng theo ông Thắng, để có tiền cho các nhà nghiên cứu toán nói riêng và các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học cơ bản làm việc, cần có chính sách kêu gọi các “đại gia” tài trợ. “Chẳng hạn như có thể học Singapore về chính sách ưu đãi thuế. Chẳng hạn một doanh nghiệp tặng 1 triệu đô la cho nghiên cứu khoa học thì trong năm đó họ sẽ được miễn mức thuế 2 triệu đô, mặt khác chính phủ lại đầu tư thêm cơ quan nghiên cứu khoa học đó 1 triệu đô nữa. Chính phủ ta còn khó khăn thì có thể chưa cần phải học theo việc thứ hai (đầu tư thêm) nhưng hoàn toàn có thể làm theo việc thứ nhất”.
Thưởng và cấp học bổng gần 10 tỉ đồng cho tác giả các công trình toán học, sinh viên, và học sinh giỏi toán
Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ công bố thưởng công trình toán học năm 2016 và cấp học bỏng cho sinh viên, học sinh chuyên toán năm học 2016 - 2017. Đây là một hoạt động thường niên trong chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020.
Theo công bố của ban điều hành chương trình, sau khi xem xét 210 công trình khoa học đăng ký xét thưởng, hội đồng xét thưởng đã lựa chọn được 85 công trình để trao thưởng, tổng số tiền thưởng là 2,57 tỉ đồng. Đây là các công trình xuất sắc, đều đã được công bố tại các tạp chí trong danh sách ISI, của các giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh đang làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu trong nước.
Ngoài ra ban điều hành chương trình đã xét cấp học bổng cho 185 sinh viên thuộc 12 trường ĐH và 297 học sinh của 71 trường THPT chuyên trên cả nước. Tổng số tiền học bổng cấp cho các em là 7,29 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)