Nên tiếp tục giảm phí trước bạ cho ô tô trong nước?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/03/2023 06:57 GMT+7

Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương có kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.


Giá xe VN cao, hỗ trợ như muối bỏ biển

Anh Nguyễn Anh Thắng, nhân viên bán hàng tại cửa hàng xe lớn của Nhật Bản tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết doanh số bán xe của cửa hàng trong tháng 1 và 2 đều giảm mạnh, tới hơn 30%, so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, nhu cầu sắm xe để đi chơi Tết Nguyên đán sẽ tăng rồi trong tháng 2, thị trường sẽ trở lại "nhịp" tiêu thụ bình thường, nhất là lượng khách đặt hàng trước chờ xe về, xe xuất hãng trong nước… Nhưng nay đã qua tới gần giữa tháng 3 mà giao dịch vẫn u ám. "Có khi cả ngày chỉ có 2 khách ghé hỏi thông tin rồi thôi. Trong một tháng, trước tôi có thể bán được 6 - 7 chiếc, nay 2 - 3 chiếc là may lắm rồi", anh Thắng nói.

Nên tiếp tục giảm phí trước bạ cho ô tô trong nước ? - Ảnh 1.

Các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước

ĐÌNH TUYỂN

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), doanh số bán ra của thị trường ô tô từ đầu năm 2023 sụt giảm mạnh. Trong tháng 1, toàn thị trường chỉ tiêu thụ 17.314 xe, giảm 51% so với doanh số của tháng cuối năm 2022 và giảm hơn 44% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, nhiều hãng xe cũng đã quyết định tung chương trình ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ để kéo khách hàng. Tháng 2, Honda VN hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho 2 dòng xe CR-V và City; Mazda VN giảm 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe CX-5; Toyota cũng có chương trình khuyến mãi hỗ trợ 50% phí trước bạ cho một số phiên bản, tặng kèm các phiếu mua xăng, phí bảo hiểm… BMW VN (thuộc THACO) cũng giảm giá trực tiếp cho hầu hết các mẫu xe, mức giảm cao nhất tới 300 triệu đồng, thấp nhất khoảng 35 triệu đồng.

Tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Các chính sách trên cần sớm được ban hành và áp dụng từ đầu quý 2/2023 để phát huy hết hiệu quả.(Theo VAMI)

Tung chiêu khuyến mãi kích cầu, song thị trường ô tô VN luôn gặp cảnh "khó chồng khó" khi giá xe luôn cao gấp 2 lần so với các nước đang có nền công nghiệp ô tô trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Bộ Công thương mới đây có báo cáo gửi Bộ Tài chính cho biết giá xe tại VN không những cao hơn 2 quốc gia nói trên mà còn cao hơn cả xe từ các thị trường phát triển như Mỹ và Nhật Bản. 

Lý giải, Bộ Công thương cho rằng các loại thuế và phí trong nước cao là lý do chính khiến giá xe tại VN cao hơn các nước. Theo quy định, mỗi chiếc ô tô muốn lăn bánh sẽ phải chịu các loại thuế gồm thuế nhập khẩu (trừ xe sản xuất, lắp ráp trong nước), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó là các loại phí: trước bạ, kiểm định, bảo trì đường bộ, cấp biển ô tô, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Cũng theo Bộ Công thương, sản lượng trong nước thấp khi hiện nay các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (VAMI) có kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu… Bên cạnh đó, VAMA cho rằng chính sách siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. 

Các doanh nghiệp ô tô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh. UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét tiếp trục triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường ô tô trong nước; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% trước bạ với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước…

Tập trung hỗ trợ ô tô điện

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, một chính sách giảm thuế, phí lúc này thì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hoan nghênh. Trong thực tế, xuất khẩu giảm, tiêu thụ trong nước cũng giảm, chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ trong nước cần được kéo dài bởi khó khăn năm 2023 là khó khăn "không lường trước được", khác với khó khăn có thể "sờ thấy" trong 3 năm đại dịch. Giảm phí trước bạ mấy chục triệu đồng cho một chiếc xe bán ra, sẽ tăng kích thích tiêu dùng lên, từ đó, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cũng tăng sản lượng tốt hơn. 

"Tuy nhiên, nếu cho rằng, giảm lệ phí để bán được xe ngay thì khó. Mọi dự báo nhu cầu tiêu thụ xe hơi trong thời gian này chỉ mang tính định tính hơn là định lượng", ông Tống nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại tỏ ra khá thận trọng với đề xuất này.

Với ngành công nghiệp ô tô, chính sách có thể tập trung hỗ trợ ô tô điện và công nghiệp hỗ trợ mà thôi.


TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhấn mạnh lại quan điểm của Viện và cá nhân ông là cần giảm gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nếu xét về sự công bằng trong chính sách thuế thì đề xuất nói trên cần được suy xét. Trong thực tế, chưa có nghiên cứu hay bằng chứng đánh giá tác động đa chiều tích cực lẫn tiêu cực của chính sách giảm phí trước bạ. 

Ông Việt cho rằng, nói một cách công bằng, ngành ô tô đã hưởng lợi khá nhiều trong giai đoạn dịch do người dân tăng mua sắm phương tiện cá nhân trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế phương tiện công cộng. Chính vì vậy, lượng xe nhập khẩu vào VN năm 2022 đạt kỷ lục. Như vậy, mảng lắp ráp trong nước cũng tăng mạnh trong năm qua, trong khi có rất nhiều ngành hàng sản xuất khác gặp khó đầu ra, xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước co hẹp lại. "Với ngành công nghiệp ô tô, chính sách có thể tập trung hỗ trợ ô tô điện và công nghiệp hỗ trợ mà thôi", TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, về chủ trương, Chính phủ đồng thuận với đề xuất giảm phí trước bạ và yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu. Là người tiêu dùng, tất nhiên, ông rất ủng hộ chính giảm giảm thuế phí để kích thích tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc xem xét của Bộ Tài chính theo Nghị quyết của Chính phủ cần lưu ý 3 điều: Giảm tiếp 50% phí trước bạ lúc này có ảnh hưởng gì đến ngân sách quốc gia không, bởi trong thực tế khoản phí này đã được giảm 2 lần trong đại dịch. Thứ 2, nghiên cứu xem giảm vậy có giúp kích cầu thực sự không hay người dân năm nay hết tiền, tập trung chi tiêu cho khoản thiết yếu thôi. Thứ 3, giảm lệ phí chỉ với xe trong nước có vi phạm các cam kết của VN với các nước không.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng doanh nghiệp ô tô cơ bản có phục hồi so với nhiều ngành khác. Chính sách hỗ trợ đến đâu cũng phải hướng doanh nghiệp và nền kinh tế bắt buộc phải trở lại bình thường. Vì thế chính sách thuế, phí phải dần dần quay trở lại theo cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.