Nếu cần 200 - 300 tỉ đồng cho các hoạt động khởi nghiệp, thành phố không tiếc...

12/10/2024 06:00 GMT+7

Khi thanh niên đề cập nhiều đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định nếu thanh niên đề xuất hằng năm cần gấp 200 - 300 tỉ đồng làm nguồn vốn ban đầu cho các hoạt động khởi nghiệp thì thành phố cũng không tiếc với các bạn.

Sáng 11.10, tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với thanh niên, bên cạnh những câu hỏi, vấn đề thắc mắc đặt ra, bạn trẻ cũng rất tâm huyết trình bày nhiều đề xuất và được lãnh đạo UBND TP đánh giá cao.

Nếu cần 200 - 300 tỉ đồng cho các hoạt động khởi nghiệp, thành phố không tiếc...- Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và thanh niên tại buổi đối thoại

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Chủ trì buổi đối thoại có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ; anh Ngô Minh Hải, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM.

Sẽ miễn, giảm thuế cho người khởi nghiệp

Tại buổi đối thoại, các ý kiến và đề xuất của thanh niên tập trung nhiều vào khởi nghiệp và chuyển đổi số. Trong đó, Đặng Xuân Vân, Giám đốc Công ty TNHH Felix Zone, nêu ý kiến: "Tôi nhận thấy doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ thiếu nhiều kiến thức, sự kết nối, nguồn vốn… Đề xuất lãnh đạo thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường cung cấp các khóa học về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, marketing, và phát triển sản phẩm cho thanh niên. Đồng thời, rất mong lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, có hướng phát triển mở rộng dành cho nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp".

Ông Phan Văn Mãi cho rằng khởi nghiệp không phải là phong trào, mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng. Chính vì thế, thành phố, các cơ quan, đặc biệt là tổ chức Đoàn, Hội phải tổ chức các lớp trang bị kỹ năng, cung cấp kiến thức…

"Trong khởi nghiệp, việc hỗ trợ về kinh nghiệm, cơ sở sản xuất, trang bị vốn, kỹ năng quản lý kinh doanh… thành phố rất khuyến khích và sẵn sàng có nguồn lực để hỗ trợ. Chẳng hạn như bây giờ các bạn đề xuất hằng năm cần gấp 200 - 300 tỉ đồng để làm nguồn vốn ban đầu cho các trường hợp này thì thành phố không tiếc với các bạn. Vấn đề là chúng ta cần thiết kế thành khuôn khổ để vận hành", Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cũng thông tin: "Kỳ họp HĐND cuối năm này, chúng ta sẽ trình một nghị quyết rất quan trọng là miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp và người khởi nghiệp. Cũng tại kỳ họp cuối năm, sẽ đề xuất về một nghị quyết cho thí điểm có kiểm soát với máy bay, ô tô không người lái và có thể là một số các lĩnh vực khác. Sắp tới chúng ta có Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố, dự kiến cuối năm đi vào hoạt động. Đây sẽ là nơi tập trung các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng là đầu mối để kết nối với các trung tâm khác trên cả nước và quốc tế".

Đối với vấn đề chuyển đổi số, ông Phan Văn Mãi cho hay hiện nay chúng ta đầu tư cho hạ tầng số, tạo lập và khai thác dữ liệu số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và chuẩn bị nhân lực số. Ở các góc độ này, vấn đề mà các bạn trẻ có thể tham gia vào đó chính là nhân lực số.

"Nguồn lực thanh niên có thể đóng góp trực tiếp, đa dạng và hiệu quả nhất bằng những sáng kiến của mình… Và sắp tới, cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm sau chúng ta có nền tảng số cho khu phố. Chúng ta cũng đang khẩn trương đầu tư, chuẩn bị các điều kiện về mặt pháp lý, cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai chính quyền số. Đây là không gian rất lớn mà tôi nghĩ phù hợp để các bạn thanh niên có thể tham gia", Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.

Tạo thuận lợi để thanh niên, Đoàn, Hội hoạt động và phát triển

Luật sư Ngô Việt Bắc, Chủ nhiệm câu lạc bộ Luật gia trẻ TP.HCM, đã thể hiện phần nêu ý kiến và đề xuất của mình một cách đầy tâm huyết với mong muốn thành phố có thể tạo thêm môi trường cho người trẻ được cống hiến vì thành phố thân yêu.

Nếu cần 200 - 300 tỉ đồng cho các hoạt động khởi nghiệp, thành phố không tiếc...- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với những câu hỏi và đề xuất của thanh niên

ẢNH: NỮ VƯƠNG

"Trước đây vào thời điểm năm 2012, có một mô hình là đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ đại biểu quốc hội (luật sư trẻ tư vấn về pháp lý - PV); sau này đã không còn hoạt động và tôi thấy rất là tiếc. Tôi mong muốn thành phố có thể bằng cách nào đó để những luật sư trẻ được cống hiến sức mình cho thành phố. Có thể mở lại hoặc xây dựng mô hình nào đó để người trẻ cùng tham gia", luật sư Bắc đề xuất.

Với những chia sẻ và đề xuất này, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đóng góp của pháp lý cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, nhưng thời gian vừa qua, trong quá trình phát triển của thành phố có những vướng mắc về mặt pháp lý. Nếu như có sự tham gia của lực lượng những người làm công tác pháp lý ở từng công việc cụ thể, trong từng cơ quan cụ thể thì có lẽ những vướng mắc này đã không xảy ra hoặc không nhiều và phức tạp như thế.

"Có những vướng mắc chúng ta đã phải trả giá bằng thời gian do chậm trễ, trả giá bằng chính các cán bộ do bị xử lý và trả giá bằng kinh tế rất lớn. Đặc biệt, hiện nay khi hội nhập quốc tế, chúng ta đối diện với những tranh chấp pháp luật quốc tế… Cho nên việc các luật sư trẻ đóng góp cho lãnh đạo thành phố để hoạch định chính xác hơn, để chúng ta kiến tạo môi trường, nền tảng thế chế và môi trường pháp lý để thực thi thì chúng tôi rất hoan nghênh", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận và khẳng định: "Rất cảm ơn đề xuất của bạn. Tôi có thành lập tổ tư vấn pháp lý và tôi sẽ nghiên cứu, có thể sẽ phát triển tổ này ở khía cạnh là các luật sư trẻ cùng tham gia để tư vấn cho thành phố".

Nếu cần 200 - 300 tỉ đồng cho các hoạt động khởi nghiệp, thành phố không tiếc...- Ảnh 3.

Bạn trẻ đặt câu hỏi và nêu những đề xuất tại buổi đối thoại

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Một đại biểu đề xuất tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP.HCM) được trở thành tuyến đường Thanh Niên, một tuyến đường hạnh phúc và ý nghĩa cho thanh niên để được chủ động tổ chức các hoạt động dành cho người trẻ…

Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố rất khuyến khích, nhưng cần có nghiên cứu kỹ về phạm vi, cách thức hoạt động, vận hành, quản lý và đánh giá tác động… "Không chỉ đường Phạm Ngọc Thạch mà những công viên của thành phố cũng có thể tổ chức thành những địa điểm sinh hoạt mỗi sáng, tối hoặc ngày cuối tuần cho thanh niên thành phố. Nếu các bạn đề xuất hợp lý, thành phố sẽ đầu tư, tạo điều kiện và giao cho Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM thực hiện và quản lý", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Kết lại buổi đối thoại, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Lãnh đạo thành phố luôn tin tưởng và mong thanh niên tiếp tục nhiệt huyết, năng động, không ngừng học hỏi, phát triển và cống hiến. Lãnh đạo thành phố sẽ luôn quan tâm, đồng hành và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên, tổ chức Đoàn, Hội hoạt động và phát triển".

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM nghiên cứu các ý kiến của thanh niên, sau buổi đối thoại cập nhật vào văn kiện Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM sắp tới.

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cho rằng cần nghiên cứu thêm về cách thức tổ chức lắng nghe ý kiến của thanh niên hằng quý, hằng tháng. Có thể tháng này chúng ta đề nghị 2 - 3 đầu việc, tháng sau gặp lại và kiểm điểm những việc đó đã thực hiện đến đâu, sau đó tiếp tục đề xuất những ý kiến khác.

"Sau hội nghị này chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng thành phố sẽ thực hiện 50 công trình, phần việc cho thanh niên và thanh niên cũng sẽ làm 50 công trình, phần việc để chúng ta cùng nhau thi đua chào mừng 50 năm ngày Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025)", Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.