Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề "ĐBSCL nên phát triển thêm các loại nông sản, thực phẩm gì để cải thiện đời sống bà con nông dân bên cạnh lúa", TS Đặng Kiều Nhân nhấn mạnh: Muốn tăng lợi nhuận từ cây lúa ở khâu nông dân phải tăng kỹ thuật canh tác trên nền lúa, qua đó, không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận lên 40% mà làm giàu từ đó".
TS Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL phát biểu tại Hội thảo |
ĐỘC LẬP |
Theo TS Đặng Kiều Nhân, diện tích đất trồng lúa của vùng ĐBSCL khoảng 1,4 - 1,5 triệu ha. Trong đó, vùng sinh thái như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Tây Nam sông Hậu... thì trong 20 năm nữa khó có loại cây con nào thay thế được cây lúa. Thế nên, nhiệm vụ của chúng ta là cần nghiên cứu thế nào để trong tương lai vẫn vừa bảo đảm sự ổn định ngành hàng lúa gạo vừa bảo đảm đời sống người nông dân.
Trong thực tế, sản xuất lúa nói chung và ngành hàng lúa gạo của khu vực miền Tây nói riêng có những lợi thế rất lớn về điều kiện sinh thái và thủy lợi. Nếu so với các nước trồng lúa và xuất khẩu gạo, Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều. Thứ 2, nông dân Việt Nam trồng lúa giỏi. Dịch vụ chế biến lúa gạo hiện nay khá tốt so với các ngành hàng chủ lực khác, đặc biệt, khâu cơ giới hóa trong ngành lúa gạo khá hoàn chỉnh, một nông dân có thể thuê nhân lực rất ít vẫn có thu nhập ổn định.
Như vậy, tuy thu nhập từ lúa tuy không cao, nhưng ổn định. Nên việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp rất quan trọng, phải tăng lợi nhuận nông dân lên. Nếu tăng lợi nhuận của nông dân trồng lúa, cải tiến kỹ thuật chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận lên 10 - 15%, nhưng nếu giúp nông dân cải tiến trồng canh tác trên đất lúa, giúp tăng lợi nhuận của nông dân lên 40%. Hoặc nếu đi sâu hơn nữa, phát triển thị trường lúa gạo, giúp lợi nhuận của nông dân thêm 50%.
Theo TS Đặng Kiều Nhân, giá trị vô hình trong luân canh trong sản xuất lúa hiệu quả là giúp tăng chất lượng gạo |
độc lập |
Thế nên, muốn tăng lợi nhuận nông dân phải tăng kỹ thuật canh tác trên nền lúa mới giúp nông dân giàu lên được. Trên nền lúa hiện nay có diện tích 1,4 - 1,5 triệu ha, trong 10 năm tới, canh tác thêm những cây con gì để tăng lợi nhuận?
Vùng lũ có lúa sen, lúa cá đồng, lúa cua, luân canh tôm, cá trong mùa lũ, ốc bưu nuôi trong ruộng...; vùng ven biển phù sa như canh tác phong phú các loại rau màu; vùng ven biển phát triển lúa tôm... rất thành công.
Tuy nhiên, TS Đặng Kiều Nhân đặt vấn đề: Ngoài luân canh lúa tôm nước lợ, có thể mở rộng luân canh vùng nước ngọt được không? Trong thực tế, thủy lợi giao thông nội đồng khu vực ĐBSCL chưa hoàn chỉnh, trong khi canh tác nông sản cần có thủy lợi nội đồng. Ví dụ, cây mè luân canh trong vụ lúa xuân hè ở Cần Thơ là rất tốt, nhưng không phát triển được vì thiếu hệ thống nội đồng, mùa khô hạn không có nước...
Thứ nữa, hệ thống cơ giới hóa trên đất lúa từ tổ chức đến dịch vụ sau thu hoạch cũng chưa phát triển, đa số nhà nông làm nhỏ lẻ do không có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Chính vì vậy, sản phẩm không đưa ra được thị trường. Cũng vì nhỏ lẻ nên hạ tầng để tồn trữ và chế biến dịch vụ sau thu hoạch không phát triển.
Chẳng hạn, việc nuôi cá và tôm càng xanh trong vùng lũ Đồng Tháp Mười được nhiều hộ dân làm rất thành công. Mô hình nhỏ lẻ trong khi tiềm năng có thể làm từ vài chục đến vài trăm ha, từ đó, có thể đầu tư chủ động hệ thống thủy lợi hoàn toàn khi mùa nước lũ ở thế nước cao hay thấp để điều tiết, bơm vào thêm hay tháo bớt nước ra.
"Không có hệ thống thủy lợi hoàn hảo nên không giúp nông dân sản xuất một cách ổn định được. Hơn nữa, chính việc sản xuất luân canh tốt sẽ hướng đến giá trị vô hình từ cây lúa. Vấn đề này quan trọng hơn là giá trị hữu hình, đó là lợi nhuận. Giá trị vô hình trong luân canh trong sản xuất lúa giúp tăng chất lượng gạo lên nhiều", TS Đặng Kiều Nhân nhấn mạnh.
Như vậy, muốn phát triển cây con gì trên nền lúa tăng thu nhập cho nông dân, có 2 vấn đề cần tập trung: Quan hệ sản xuất dịch vụ, thị trường và thu nhập nông dân phải giải quyết cho "suông", nếu không sẽ luẩn quẩn. Phải phát triển hạ tầng, giao thông nội đồng, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, thu hoạch... Thứ 2 là nâng cao năng lực của nông dân, hợp tác xã nhỏ lẻ, kết nối tạo sức mạnh, phát triển thành hệ thống...
Bình luận (0)