Nếu được sống thêm lần nữa, bạn sẽ sống thế nào?

26/06/2016 20:05 GMT+7

Nếu được hỏi: “Nếu được sống thêm một lần nữa, bạn sẽ sống như thế nào?”, liệu chúng ta sẽ có một câu trả lời xác đáng?

Lật giở lại những trang viết Nếu được sống thêm lần nữa của tác giả Erma Bombeck, tự nhắc nhớ mình rằng hãy trân trọng những giây phút của ngày hôm nay và từng tiếng “tích tắc” của chiếc kim đồng hồ.
Nếu được hỏi: “Nếu được sống thêm một lần nữa, bạn sẽ sống như thế nào?”, liệu chúng ta sẽ có một câu trả lời xác đáng?

tin liên quan

Sống lạc quan
Ngày mợ mất, mọi người đều lo lắng cậu sẽ không vượt qua được cú sốc này. Bởi hai người vốn yêu thương gắn bó, luôn quấn quýt như đôi chim câu. 
Ngẫm nghĩ mãi câu trả lời của một người từng trải qua gần hết đời người: “Nếu được sống lần nữa, tôi sẽ sống ít… lành mạnh hơn và dại khờ hơn trong cuộc đời này”. Bỗng giật mình nhận ra có khi sự kỹ càng quá mức lại khiến ta làm rơi rớt nhiều niềm vui và có khi là cả nỗi buồn_ những “chất làm đầy” giúp cuộc sống thêm ý nghĩa và đáng sống.
Một đồng nghiệp cũ từng nói với tôi rằng cô từng bị bạn bè lừa bịp, bị cấp trên cướp công, bị đối tác chơi xấu… nhưng cô chưa bao giờ mất lòng tin vào người khác. Cô nói, mỗi người chỉ có một cuộc đời, đau khổ hay hạnh phúc đều là những trải nghiệm cần thiết mà chỉ khi vượt qua đó thì con người ta mới có thể “bớt xanh và non” để lớn lên.
Cô cứ thế hồn nhiên sống, hồn nhiên phát tán những hạt mầm trong trẻo như loài cây bồ công anh. Gần cô, người ta có thể không cảm thấy vui nhưng hẳn sẽ rất yên bình một thứ cảm giác đối lập với sự xô bồ ngoài kia… nơi nhiều người còn mải mê với quyền lợi của riêng mình, nơi người ta hơn thua nhau từng câu nói, hay xét nét từng hành vi của người khác...
Khi con người ta càng trưởng thành theo thời thời gian, tiến đến gần hơn ranh giới giữa sự sống và cái chết, số đông sẽ sống chậm lại và nghĩ nhiều hơn đến mệnh đề “nhân - quả”. Ai rồi cũng sẽ đi qua những được - mất, những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố và quy luật sinh - tử của đời người... Thế nên, hãy sống như thể ngày mai ta không còn được sống, để biết nâng niu hiện tại.
Có lần tôi gặp một người đàn bà tật nguyền trong một chương trình từ thiện. Cô sống cùng người con trai trong một căn nhà lá rách nát, không một thứ vật dụng tiện nghi nào.
Căn nhà cách xa đường làng đến mấy cây số, nằm chênh vênh giữa đồng cùng vài ba căn nhà khác. Chúng tôi phải đi bộ băng qua những con đê hẹp lầy lội và đám cỏ cao gần bằng đầu người mới đến được căn nhà của hai mẹ con họ.
Cô sinh ra đã bị tật cả hai chân, bị anh trai và chị dâu ruồng rẫy nên cha mẹ cô dựng cho căn nhà ở riêng bên cạnh. Rồi cô lấy chồng, mang thai... nhưng chưa kịp sinh con thì chồng cô đã bỏ đi theo người đàn bà khác, cho đến khi con trai cô đã gần 20 tuổi ông vẫn chưa một lần về thăm. Vì không có điều kiện nên cậu con trai chỉ học đến hết cấp hai thì phải nghỉ để đi làm thuê, kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo thuốc men cho mẹ.
Tôi không sao quên được câu trả lời của cô khi tôi hỏi “Cô có buồn không?”. Cô vén tấm ván mục nát_ cũng là cái cửa sổ chỉ tay ra ngoài và nói: “Mỗi ngày cô đều ngồi đây nhìn ra ngoài kia, ngắm đám hoa dại với bầy vịt lội ngoài ruộng, ở đó có mấy cây ổi xá lị chín thơm ngào ngạt, nhìn thằng con cô đi làm về... vậy cũng đủ vui rồi. Nếu mà buồn thì chắc là buồn cả đời nên cứ kệ, tìm cái vui trong cảnh buồn để mà sống”. Câu trả lời của cô đã theo tôi đến tận bây giờ, và trở thành nguồn cảm hứng nhắc nhở tôi sống tốt.
Tôi tâm đắc một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Đừng đợi cho đến khi mọi khổ đau qua đi hết rồi mới cho phép mình được hạnh phúc”. Bởi vì, cuộc đời là chuỗi đan xen giữa hạnh phúc và đau khổ như những con sóng từ biển khơi ùa vào bờ, hết con sóng này đến con sóng khác, có như thế mới là cuộc đời.
Chính vì lẽ đó, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho mình là học cách đối mặt và vượt qua những điều tiêu cực, thay vì sợ hãi và né tránh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.