Khổ thật, nhà chỉ có hai ông bà, sống với nhau cả đời, con cái đã ra ở riêng cả, những tưởng bây giờ là chuỗi ngày ấm êm, hưởng thú vui tuổi già, thế mà mẹ lại rầu rĩ hơn xưa, thỉnh thoảng, gặng mãi, bà mới hé chút tâm sự buồn với con gái út Hiền.
Số là ba cô càng về già càng đổi tính, thay nết. Hồi xưa con cái còn nhỏ, bận bịu, còn mải lo kiếm tiền, còn sức chơi, sức nhậu bên ngoài, thì ông có vẻ hào sảng hơn, thoải mái hơn. Ít để ý việc nhà, nên ông bỏ qua nhiều chuyện không đúng ý.
Giờ, tuổi già đến, ông không còn giao du bạn bè và đâm ra sợ đủ thứ bệnh tật, nên chỉ ở nhà, suốt ngày bắt bẻ bà hết việc này đến việc khác. Ví như, sáng, muốn ăn phở, ông không đi ra tiệm, dù hàng phở ngon ở ngay đầu ngõ. Ông bắt bà ra mua bưng về.
Bưng về rồi, phải dọn ngay ngắn, bày biện ra tô, rau thơm phải đem rửa lại, ớt, chanh phải sắp xếp đẹp đẽ, sao cho giống như ông đang ngồi ở tiệm phở 5 sao chứ không phải ở nhà. Chỉ một chi tiết không vừa ý, như chỗ tương đen đổ lẫn với tương đỏ, là ông cáu ngay. Cáu, thì ông quát tháo, chê bôi, rồi không ăn.
Ông không ăn bà cũng không kệ được, vì khi đó ông bắt bà nấu món khác! “Bà chỉ có việc phục vụ chồng mà còn không xong... Xưa tôi kiếm tiền về nhà này thế nào...”. Thế là tô phở bị bỏ nguội, bà phải lụi cụi đi ra chợ mua thịt bò, rau, giá đủ loại để về nấu... mì gói cho ông ăn! Chỉ riêng chuyện bữa ăn, bà hầu ông đã đủ mệt.
Bữa trưa bữa chiều, bà làm món nào, nhìn không ưng ý là ông bắt làm cái khác. Mà cách chê của ông cũng ác, ông bảo vợ định “giết” ông hay sao mà cho ăn tuần hai, ba bữa trứng, hay âm mưu để ông mắc bệnh “gì đó” mà cho ông ăn hôm thì nhiều thịt ít rau, hôm lại nhiều rau ít thịt! Trái cây gọt sẵn, cắt sẵn ra sớm quá bị chê, muộn tí thì lại bị trách...
Cả ngày, bà chỉ quanh quẩn dưới sự chỉ đạo của ông, để rồi nghe bắt bẻ “sao bà ngày càng chậm, sao bây giờ tôi mới biết bà kém thế”. Như có lần đi đám thôi nôi đứa cháu họ, ông đã mắng bà suốt buổi chiều vì tìm không thấy đôi vớ trắng mà ông muốn mang, chỉ vì nó lẫn đi đâu đó, mà bà bảo sẽ ra chợ mua ngay cho ông đôi vớ trắng mới, ông cũng không chịu.
Những món đồ của ông, lỡ bị thất lạc hay lẫn đâu đó, bị hỏng hóc hay sai lệch, tất tật đều là lỗi của bà. Bà lọng gọng, thỉnh thoảng quên cái này, đánh rớt cái nọ, thế cũng đủ để ông lắc đầu, khó chịu cả ngày. Bà chẳng dám phản kháng, vì có phản kháng một thì ông lại giận dữ gấp mười lần. Nhiều lúc bà không khỏi chạnh lòng, tủi thân, nghĩ khi già hết thương nhau nên mới thế...
Chỉ đến lần ấy, bà bị ốm, phải nằm viện cả tháng, ông ở nhà một mình, tự lo, tự “chiều” mình, Hiền mới thấy ông có vẻ thay đổi. Hôm rồi ông đến viện, thấy bà mệt mà còn hỏi ông ăn gì, uống gì, phải làm thế nào trong khi bà không ở nhà, ông cáu lên: “Bà đừng lo, bà làm như không có bà tôi chết đói”, nhưng lại dịu giọng: “Con Hiền nó nói rồi, bà khỏi bệnh về nhà thì đừng có nghe lời tôi, tôi bắt bà làm mười thì bà chỉ làm một thôi là được, không lại ốm đấy”...
Bình luận (0)