Ngày 9.9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã thông tin tới báo chí về tình hình triển khai các phần mềm/ứng dụng chạy trên nền tảng cơ sở dữ dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Cục phó C06, cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tâm nghiên cứu dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06 đã phát triển 3 phân hệ ứng dụng phần mềm chạy trên Cơ sở dữ dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho hoạt động phòng chống Covid-19, gồm: phần mềm quản lý công dân vùng dịch; phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ Covid-19 và phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm Covid-19.
Đến nay, các phần mềm này đã được triển khai tại nhiều địa phương với mức độ khác nhau. Trong đó, phần mềm quản lý công dân vùng dịch đang được sử dụng nhiều nhất và được coi là công cụ kiểm soát có hiệu quả về biến động dân cư vùng dịch với nhiều ưu điểm: thông tin được kiểm duyệt chính xác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện truy vết đầy đủ chính xác công dân, đặc biệt là cả phương tiện; xác định nhanh chóng và thông báo thông tin cho F1, F2 khi phát hiện F0 giúp phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tội phạm; tiết kiệm chi phí trong phòng chống dịch…
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, đến nay đã có 16.921 tài khoản cán bộ sử dụng ứng dụng tại 6.616 chốt kiểm soát, 5.263.863/5.310.217 (tỷ lệ 99.1%) tờ khai qua chốt…
Theo lãnh đạo C06, ngoài việc triển khai ứng dựng tại các điểm chốt kiểm soát, tới đây sẽ triển khai tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… mà không phải lập chốt do công an kiểm soát. Chính vì thế, từ ứng dụng ban đầu phát triển trên web tại địa chỉ: ttps://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, C06 đã phát triển thành ứng dụng VN-AID chạy trên các nền tảng di động kết hợp đọc mã QR code qua camera tại các chốt để giảm tải việc tiếp xúc và tăng hiệu quả kiểm soát.
‘‘Ứng dụng kiểm soát công dân vùng dịch được đánh giá là có hiệu quả và đã áp dụng tại nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM nhưng lại không có Hà Nội, vì sao?’’, trả lời câu hỏi này, thượng tá Tô Anh Dũng cho biết là do UBND TP.Hà Nội lựa chọn chứ không phải do Bộ Công an quyết định.
Đáng chú ý, ông Dũng cũng cho hay sau khi UBND TP.Hà Nội liên tục thay đổi mẫu giấy đi đường và nhận phản ứng trái chiều từ dư luận thì lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã họp với Bộ Công an.
‘‘Chúng tôi đã nêu các giải pháp, trong đó Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực nhưng việc sử dụng như thế nào thì phải do địa phương quyết định chứ không dư luận hiểu là ép địa phương phải dùng phần mềm của Bộ, là không hay’’, thượng tá Tô Anh Dũng cho biết.
Bình luận (0)