Nếu hết quý 2 vẫn thiếu cát, Vành đai 3 TP.HCM sẽ trượt tiến độ

18/03/2024 11:11 GMT+7

Thiếu cát đắp nền là thách thức lớn nhất hiện nay của dự án trọng điểm Vành đai 3 TP.HCM.

Nếu hết quý 2 vẫn thiếu cát, Vành đai 3 TP.HCM sẽ trượt tiến độ- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm nay phải tăng tốc, phấn đấu vượt tiến độ đường Vành đai 3 TP.HCM

NHẬT BẮC

Theo báo cáo từ UBND TP.HCM, toàn dự án Vành đai 3 TP.HCM đã bàn giao mặt bằng 571/658 ha, đạt 87%. Trong đó TP.HCM và Long An đã đạt 98%, Bình Dương đạt 86%, riêng Đồng Nai mới đạt 6,2%.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, khởi công, triển khai thi công, các dự án tại Long An vượt tiến độ; tại TP.HCM, Bình Dương cơ bản triển khai đáp ứng tiến độ; Đồng Nai chậm so với kế hoạch. Toàn dự án thi công đạt sản lượng 1.526 tỉ đồng/13.577 tỉ đồng (tương đương 11,2%).

Tuy nhiên, dự án hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3, trong khi nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt, chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp. 

Thông tin cụ thể hơn, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết trong năm nay, Vành đai 3 cần khoảng 7 triệu m3 cát phục vụ thi công, riêng TP.HCM cần khoảng 4,7 triệu m3 và sẽ rơi vào giai đoạn từ quý 2 - quý 4.

Nguồn cung cát đứt gãy, loạt công trình lớn thấp thỏm

Tổ công tác của TP.HCM đã làm việc với 6 địa phương, đến nay có 3 địa phương là Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long đã có cam kết cung ứng cát với 60 mỏ cát được đưa vào danh sách cụ thể. Các mỏ cát này kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu, có trữ lượng tương ứng với từng mỏ và tiến độ những mỏ đang khai thác sẽ được bố trí sớm. Các mỏ cát cần điều chỉnh gia hạn giấy phép sẽ triển khai ngay trong quý 2.

Hiện nay, đối với những công tác không bị ràng buộc chờ cát như khoan, cọc, làm kết cấu cầu thì chủ đầu tư đã làm việc yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Khu vực vành đai phía tây và một số đường song hành cần cát, các nhà thầu đã chủ động giải quyết được 1 phần và có kế hoạch điều phối linh hoạt với một số dự án cao tốc miền tây. 

"Thách thức lớn nhất là làm sao cụ thể hóa từng mỏ, biến thành tiến độ chi tiết để giao sớm cho các nhà thầu. Hiện nay tình hình chưa đến mức quá nghiêm trọng nhưng nếu đến hết quý 2 mà tình hình không cải thiện thì tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng. Vừa rồi trong buổi kiểm tra sau tết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tổ chức buổi họp với các địa phương để giao nhiệm vụ cụ thể hơn, đẩy tiến độ dự án nhanh hơn. Các đơn vị đang chuẩn bị cho buổi họp này. Chúng tôi tin tưởng với các giải pháp và sự quan tâm từ Chính phủ, trong quý 2 sẽ có cát cho Vành đai 3, đảm bảo đáp ứng tiến độ chung toàn dự án" - ông Lương Minh Phúc nói.

Nếu hết quý 2 vẫn thiếu cát, Vành đai 3 TP.HCM sẽ trượt tiến độ- Ảnh 2.

Thách thức lớn nhất của Vành đai 3 TP.HCM là thiếu cát đắp nền

NGỌC DƯƠNG

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tích cực xử lý vấn đề liên quan các mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường trên tinh thần rút gọn các thủ tục, bảo đảm cấp đủ vật liệu kịp thời cho các dự án. Song song, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; các địa phương cũng phải phối hợp chặt chẽ.

Báo cáo thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết các cơ quan đã thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc với một số yêu cầu kỹ thuật; dự kiến trong tháng 4 có thể triển khai rộng việc sử dụng cát biển đắp nền cao tốc.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe); giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe) đầu tư không liên tục.

Tuyến đường đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.