Thiếu cát đe dọa tiến độ Vành đai 3 TP.HCM

07/12/2023 06:04 GMT+7

Việc An Giang không thể hỗ trợ cung cấp nguồn cát cho TP.HCM thực hiện dự án Vành đai 3 kéo theo nguy cơ dự án trọng điểm của vùng Đông Nam bộ tiếp tục chậm tiến độ.

6 gói thầu "đau đầu" lo thiếu cát

Lãnh đạo tỉnh An Giang vừa có văn bản phúc đáp UBND TP.HCM cho hay tỉnh không còn khả năng hỗ trợ nguồn cát cho TP.HCM thực hiện dự án đường Vành đai 3. Nguyên nhân là hiện nay mọi nguồn cát trên địa bàn tỉnh An Giang đều đã huy động để phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Trong đó bao gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 9,3 triệu m3, qua địa bàn Hậu Giang và Cần Thơ là 7,5 triệu m3; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 7 triệu m3. Ngoài ra, lượng cát của tỉnh An Giang còn phải cung cấp cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Thiếu cát đe dọa tiến độ Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 1.

Vành đai 3 TP.HCM thi công cầm chừng, lo thiếu cát

Sỹ Đông

Đối với các mỏ cát theo đề xuất của UBND TP.HCM cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 gồm: mỏ cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, H.Châu Phú và xã Phú Hiệp, H.Phú Tân) do Công ty TNHH TM Tân Hồng khai thác, trữ lượng khoảng hơn 1,1 triệu m3, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết đã phân bổ hết cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang và các công trình trong tỉnh. Ngoài ra, khu vực cát thu hồi từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao (thuộc tỉnh An Giang) trữ lượng khoảng hơn 3,46 triệu m3 hiện cũng đã phân bổ 3 triệu m3 cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, khối lượng còn lại cung cấp cho các công trình trong tỉnh An Giang.

Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, "việc hỗ trợ nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là rất khó khăn và tỉnh An Giang không còn khả năng hỗ trợ", văn bản do bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ký nêu rõ. Đây là lần thứ hai tỉnh An Giang khước từ đề nghị hỗ trợ nguồn cát cho dự án Vành đai 3. Hồi đầu năm, khi UBND TP.HCM cấp bách huy động vật liệu xây dựng từ 8 tỉnh cho công trình này trước giai đoạn chuẩn bị khởi công, chủ đầu tư Vành đai 3 TP.HCM là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cũng tính toán nhờ tỉnh An Giang hỗ trợ khoảng 30% trong phần 50% thiếu hụt cát đắp nền (cát san lấp) và gần 30% khối lượng cát xây dựng còn thiếu (cùng với huy động từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) song cũng bị tỉnh này từ chối với lý do ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương.

Sau phản hồi mới nhất của tỉnh An Giang, dự án Vành đai 3 đang trong tình thế vô cùng khó khăn. Sau hơn 5 tháng khởi công, công tác triển khai thi công dự án hiện đang khá ì ạch. Tuyến đường đoạn qua TP.HCM dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng, được khởi công giữa tháng 6 với 4 gói thầu xây lắp nhưng khối lượng thi công đến nay chưa nhiều. 

Theo Sở GTVT TP, hiện các nhà thầu mới tập kết nhân sự, thiết bị, vật tư để thi công một số công trình phụ trợ, đường công vụ, cọc khoan nhồi… Năm nay, dự án được giao 7.600 tỉ đồng nhưng mới giải ngân hơn 1.500 tỉ đồng, đạt gần 21%. Dự kiến 6 gói thầu xây lắp chính còn lại của dự án Vành đai 3 qua TPHCM sẽ được khởi công cuối năm. 

Song, nguồn cát đắp nền đường hiện đang thiếu khoảng 20% khối lượng so với nhu cầu của toàn dự án. Trong khi đó, một số mỏ đang ngưng cung cấp hoặc chỉ cung cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang và các dự án của tỉnh. Khi các dự án cao tốc đồng loạt triển khai, đặc biệt giai đoạn cuối năm - thời điểm hoàn thành công tác đấu thầu 6 gói thầu xây lắp còn lại thì nguồn cung cát đắp sẽ có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án qua địa bàn TP.

Loạt công trình trọng điểm quốc gia "ngóng" vật liệu

Không chỉ Vành đai 3 TP.HCM, tình trạng thiếu đất, cát cùng nguyên - nhiên vật liệu thi công đang ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các công trình trọng điểm quốc gia. Đơn cử, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang chạy nước rút, thi công 3 ca 4 kíp trên công trường để bảo đảm khai thác trước ngày 31.12 nhưng hệ thống đường gom hiện vẫn còn thiếu khoảng 92.000 m3 cát đắp. 

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu đã chủ động nhờ sự hỗ trợ nguồn cát từ các địa phương trong khu vực nhưng cũng không thể đáp ứng yêu cầu và vẫn còn thiếu khoảng 44.000 m3 cát. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét tiếp tục cung cấp 44.000 m3 cát cho dự án.

Thiếu cát đe dọa tiến độ Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng do thiếu vật liệu

Bùi Văn Hải

Tương tự, tại dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.072 kỹ sư và công nhân. Thế nhưng, sau hơn 11 tháng khởi công, sản lượng thi công chỉ đạt 13% giá trị hợp đồng do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Vì thế, nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến và đào đất không thích hợp, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm…

Đại diện Bộ GTVT thừa nhận câu chuyện vật liệu xây dựng đang là một trong những thách thức lớn nhất của ngành giao thông. Dự án nào cũng cấp bách, chạy đua tiến độ. Về nguyên tắc, thiếu vật liệu xây dựng để thi công dự án là trách nhiệm của nhà thầu, bởi "anh" đã ký hợp đồng, đã báo giá thì phải đáp ứng chất lượng và tiến độ theo cam kết. Tuy nhiên, đây là tài nguyên khoáng sản quốc gia, thực tế triển khai có nhiều khó khăn, chồng chéo, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vì thế, với mục tiêu chung là nhanh chóng hoàn thành dự án, Bộ phải đồng hành cùng nhà thầu. "Bộ GTVT cùng các Ban Quản lý dự án phải họp hằng tuần, thậm chí hằng ngày, nhưng thực tế triển khai vô cùng phức tạp", đại diện Bộ GTVT nói.

Trên thực tế, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra các dự án, làm việc với các địa phương và ban hành các công điện yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án nhưng không ăn thua.

Cùng với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu tại các mỏ có thể rút ngắn được khoảng 8 - 10 tháng, kỳ vọng tháo nút thắt giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết tuần tới, Tổ Vật liệu của TP.HCM sẽ làm việc với các tỉnh để bàn luận, thống nhất về vấn đề này. Sở GTVT TP cũng đã kiến nghị UBND TP tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT, Bộ TN-MT báo cáo cấp có thẩm quyền, chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT, Bộ TN-MT, Bộ KH-CN sớm ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc, giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.