Thông tin hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên đã làm nhiều người lo lắng. Bởi khi nói đến dân chủ trong trường học hiện nay, nhiều người đã có chung nhận xét: các trường học có dân chủ thật sự như… lá mùa thu. Vì thực tế ở nhiều trường, ngay khi lên chức, hiệu trưởng đã bắt đầu tạo cho mình một ê-kíp để dễ dàng đồng thuận trong mọi quyết định trong nhà trường.
Năm đầu tiên, hiệu trưởng thường thăm dò để tìm người “đồng thanh, đồng thủ”, bắt đầu từ các “chức sắc” trong trường như hiệu phó, chủ tịch công đoàn, bí thư chi đoàn, tổng phụ trách đội, các tổ trưởng chuyên môn... rồi đến các giáo viên, công nhân viên. Sang năm thứ hai trở đi, hiệu trưởng sẽ tìm dịp để thay đổi các “chức sắc” trong trường mà thường có ý kiến phản bác các quyết định của hiệu trưởng bằng những người chịu nghe lời. Một hiệu trường thường làm ít nhất hai nhiệm kỳ. Chưa nói đến đa số hiệu trưởng là hiệu phó của chính trường đó được đề bạt lên nên thời gian làm hiệu phó và làm hiệu trưởng ở một trường của một cán bộ quản lý trường học đến cả trên 10 năm là chuyện thường. Chỉ cần sau nhiệm kỳ đầu, trường ấy đã không còn dân chủ vì mọi ý kiến, quyết định của hiệu trưởng đều được đồng thuận, ngợi ca.
tin liên quan
Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên?Việc tưởng như hiển nhiên này sẽ có nhiều khả năng thực hiện tại TP.HCM theo quy hoạch phát triển GD-ĐT của thành phố này đến năm 2030.
Hiệu trưởng cũng là người có ý kiến đề bạt lực lượng ban giám hiệu nguồn (hiệu phó) cho phòng giáo dục. Do đó, giáo viên nào thường có ý kiến tranh luận với hiệu trưởng thì hiếm khi được có tên trong danh sách đề bạt lên làm ban giám hiệu tương lai dù giáo viên ấy có tâm, có tài.
“Sự im lặng đáng sợ” trong các cuộc họp hội đồng sư phạm là “chuyện thường ngày”. Giáo viên dạy nhiều năm trở nên bất mãn rồi im lặng vì thấy ý kiến của mình lạc lõng và khi biểu quyết thì “phe phái” hiệu trưởng luôn là số đông, đa số thắng thiểu số đã trở thành quy luật. Giáo viên trẻ thì theo hai hướng. Người cơ hội thì “gió chiều nào theo chiều ấy” nên gật đầu trước mọi lời của hiệu trưởng để yên ổn làm việc và có cơ hội thăng tiến. Người trung thực, thẳng thắn thì bị phê bình là không hợp tác, suy nghĩ tiêu cực,… và mất tất cả cơ hội vươn lên nên cũng dần tập im lặng.
tin liên quan
Không khéo sẽ biến hiệu trưởng thành người ban phát ân huệNhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế giám sát đội ngũ quản lý nhà trường nếu không sẽ biến hiệu trưởng thành 'quan phụ mẫu' ban phát ân huệ cho giáo viên khi có quyền tuyển giáo viên.
Chính vì vậy, trong nhà trường hiện nay hiếm có dân chủ thật sự, hiệu trưởng là một ông vua. “Quần thần” chỉ chỉ chấp hành và biểu quyết đồng thuận. Nhiều hiệu trưởng được đề nghị lên làm việc ở phòng giáo dục đã mạnh dạn từ chối, luôn kiếm cớ thoái thác, chỉ khi bị buộc thì phải chấp hành trong miễn cưỡng vì ở trường là làm vua một cõi, sung sướng, thoải mái hơn.
Nếu hiệu trưởng được quyền tuyển dụng giáo viên, trước tiên phải làm sao cho các trường học phải thật sự dân chủ. Để các trường học luôn có công bằng, dân chủ, theo tôi, hiệu trưởng chỉ nên làm mỗi trường một nhiệm kỳ. Hiệu phó khi được đề bạt hiệu trưởng thì nên điều chuyển đến trường khác làm. Có như thế thì các trường học mới có dân chủ thật sự vì không còn tình trạng hiệu trưởng tạo ê-kíp, phe phái, vây cánh riêng và giáo viên không sợ bì trù dập, từ đó mà phát huy tinh thần dân chủ bản thân mạnh mẽ. Nếu hiệu trưởng là “Lý Thông” thì việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng là “giao trứng cho ác”.
Bình luận (0)