Lao đao vì nhà đầu tư
Đào Chi Anh (33 tuổi, ở Hà Nội) từng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng khởi nghiệp VN khi thương hiệu ẩm thực The KAfe mà cô sáng lập và cũng là giám đốc điều hành nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD (khoảng 130 tỉ đồng) từ nhiều quỹ đầu tư tại Anh và Hồng Kông.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Chi Anh đã phải rời khỏi vị trí giám đốc điều hành và The KAfe đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Bài học kinh nghiệm mà Chi Anh muốn chia sẻ sau “cuộc tình không có hậu” này chính là: “Khi đàm phán với nhà đầu tư, cần mạnh mẽ và quyết liệt, phải thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư kỹ lưỡng”.
Theo Chi Anh, để không có kết cục buồn khi gọi vốn đầu tư, người trẻ khởi nghiệp nên tìm kiếm những nhà đầu tư tử tế để đồng hành. “Coi thái độ, sự ủng hộ của họ có tuyệt đối hay không. Tìm hiểu xem họ có phù hợp, muốn cùng hướng tới những mục tiêu dài hạn hay chỉ muốn “nuốt chửng” công ty. Phải xây dựng chiến lược tài chính chủ động ngay từ đầu trước khi đàm phán để không bị kiểm soát hoàn toàn về tài chính…”, Chi Anh chia sẻ.
Thực tế đã từng có những sản phẩm, dự án khởi nghiệp của người trẻ đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó đã bị các nhà đầu tư thâu tóm.
Bên cạnh đó, có trường hợp được nhà đầu tư “cưa cẩm” và “xiêu lòng”, chấp nhận để nhà đầu tư rót vốn. Tuy nhiên, chờ hoài nhưng không thấy động thái đầu tư để phát triển công ty như hứa hẹn, và không lâu sau đó mới tá hỏa phát hiện đó là nhà đầu tư “dỏm”.
tin liên quan
Các dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ hiệu quả hơnĐây là một trong những thành quả cũng như mục tiêu tiếp tục hướng đến của việc kết nối các vườn ươm và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM thành một câu lạc bộ (CLB), hệ sinh thái khởi nghiệp.
Phải thẩm định
Theo Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành Công ty CP truyền thông Canavi VN, nhiều người trẻ khởi nghiệp thường cảm thấy rất vui khi có nhà đầu tư muốn đổ tiền cho họ. Từ đó họ quên đi việc phải thẩm định nhà đầu tư. Vì thế, lỡ nhà đầu tư đang làm ăn thua lỗ, không có kế hoạch rõ ràng để đồng hành cùng đưa công ty phát triển hơn... thì dễ khiến công ty lao đao.
Chính vì thế, Hải cho rằng nên đặt ra các tiêu chí để lựa chọn cũng như yêu cầu thẩm định nhà đầu tư trước khi nhận vốn.
“Việc họ đầu tư vào công ty khởi nghiệp giống như làm đám cưới nên nếu chọn người không phù hợp sẽ rất khổ”, Hải nói.
Tương tự, chị Đỗ Thị Hoa, Giám đốc điều hành Yppuna, người khởi nghiệp với sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ có tên Hộp khí hậu, top những sản phẩm tốt nhất trong cuộc thi khởi nghiệp K-Startup Grand Challenge 2016 (Hàn Quốc), cũng khuyên: “Chắc chắn phải thẩm định nhà đầu tư. Vì nếu chọn sai sẽ làm hỏng hết mọi thứ, bao công sức xây dựng từ những ngày đầu khởi nghiệp sẽ đổ sông đổ bể”.
Trần Tâm Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Viet Ferm, người gọi vốn thành công từ chương trình Shark Tank VN với 4 tỉ đồng từ các nhà đầu tư, cho rằng: “Người khởi nghiệp nên thẩm định nhà đầu tư kỹ lưỡng. Có như vậy mới tránh được các rắc rối liên quan tới pháp lý, người đại diện phần vốn góp, dòng tiền từ đâu tới, việc này ảnh hưởng về mặt tồn tại đối với cả nhà đầu tư lẫn người khởi nghiệp”.
“Đừng bao giờ quá mừng vì “vớ” được “cục tiền khổng lồ” mà quên việc thẩm định nhà đầu tư. Để có một cuộc “kết hôn” hạnh phúc viên mãn cần thẩm định ngược nhà đầu tư. Qua đó đảm bảo an toàn pháp lý cũng như tăng tính trách nhiệm của họ”, Lê Đức Phú, người sáng lập và Giám đốc điều hành Thế Giới Điện Giải Phú, nói.
Còn tiến sĩ Trần Việt Hùng, người sáng lập GotIt!, nhận xét: “Những nhà đầu tư thật sự tốt, nổi tiếng, uy tín thì khi nhận được đề nghị thẩm định, họ sẵn sàng đồng ý, và tiết lộ tất cả những điều mà người khởi nghiệp mong muốn”.
Đại diện Quỹ đầu tư Golden Gate (Singapore) cũng chia sẻ: “Rất sẵn lòng cung cấp mọi thông tin cho những đối tác tương lai (dự án khởi nghiệp được đầu tư - NV) tìm hiểu kỹ lưỡng. Việc thẩm định như vậy là bình thường. Qua đó, giúp mối quan hệ đối tác bền vững hơn”.
tin liên quan
‘Các bạn trẻ khởi nghiệp phải chấp nhận văn hóa thất bại’Lãnh đạo Bộ Khoa học - Công nghệ chia sẻ, các bạn sinh viên khởi nghiệp phải chấp nhận văn hóa thất bại, lần 1, lần 2 đều có thể thất bại, lần 3 mới có kinh nghiệm, những 'nhà đầu tư thiên thần', nhà hỗ trợ mới bỏ tiền vào.
Bình luận (0)