'Nếu không chuyển đổi xanh, chúng tôi có nguy cơ phải rời khỏi thị trường'

28/05/2024 21:19 GMT+7

Khẳng định để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi xanh, song Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Claudia Anselmi cho biết, tiếp cận nguồn tài chính xanh đang là thách thức lớn.

Tại phiên thảo luận "Đổi mới chính sách vì một châu Á - Thái Bình Dương xanh và cập nhật kỹ thuật số" trong khuôn khổ Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương ngày 28.5, tại Hà Nội, bà Claudia Anselmi, Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, có nhiều chia sẻ về thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị - PV) tại doanh nghiệp.

'Nếu không chuyển đổi xanh, chúng tôi có nguy cơ phải 
 rời khỏi thị trường'- Ảnh 1.

Các khách mời tham dự phiên thảo luận

ĐT

"Tôi là nhà đầu tư từ Ý tới Việt Nam kinh doanh từ năm 2008, đang điều hành một nhà máy dệt may chuyên các loại vải chất lượng cao.

Tôi luôn tin tưởng vào việc thực hành phát triển bền vững ngay từ bước đi ban đầu. Chúng tôi phải chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, khi sản phẩm của chúng tôi tập trung vào việc xuất khẩu, sức ép cạnh tranh rất lớn", bà Claudia Anselmi nói.

Nữ doanh nhân chia sẻ thêm: "Để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, yêu cầu bắt buộc chúng tôi phải chuyển hướng tới quá trình chuyển đổi xanh và số. Nếu không làm như vậy, chúng tôi có nguy cơ phải ra khỏi thị trường. Việc tuân thủ chiến lược bền vững ngay từ đầu giúp công ty có thể tuân thủ dễ dàng quy định của các thị trường như liên minh châu Âu".

Nói về trở ngại với doanh nghiệp khi thực hành ESG và các chiến lược phát triển bền vững, bà Claudia Anselmi cho biết, đầu tiên liên quan tới kiến thức, sự hiểu biết. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thấy đây là vấn đề rất mới, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn về vấn đề này.

Cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Việc thực hành ESG đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị năng lượng… Tất cả đều là các hệ thống phức tạp, đòi hỏi nhiều vốn, phải tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, mất nhiều thời gian trước khi đi vào vận hành…

Khó khăn tiếp cận tài chính xanh

Bà Claudia Anselmi cũng nhấn mạnh khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn tài chính xanh. 

"Tại Việt Nam, dòng vốn cho tín dụng xanh chỉ mới chiếm khoảng 4 - 5% vốn tín dụng toàn thị trường. Đây là mức rất thấp. Điều này là thách thức thực tế với doanh nghiệp, bởi vốn chính là yếu tố tiên quyết với các quyết định đầu tư, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp", bà Claudia Anselmi nói.

Ông Pulkit Abrol, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), cho rằng "khẩu vị" tài chính xanh ở ASEAN và Việt Nam đang tăng lên nhiều. Điều này xuất phát từ nhu cầu tài trợ, đầu tư, đặc biệt cho cơ sở hạ tầng để đạt mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero ngày càng cao.

"ACCA đang đưa ra nhiều chính sách cho phát triển tài chính xanh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong khu vực ASEAN như hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và chuẩn mực báo cáo tài chính", ông Pulkit Abrol nói.

Cho rằng trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi các tiêu chuẩn, quy định xanh là chiến lược, kỹ năng và sự hỗ trợ, bà Julia Tay, lãnh đạo chính sách công cộng châu Á - Thái Bình Dương (EY), đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp phải có chiến lược để sẵn sàng thực hiện các tiêu chuẩn, chứ không chờ đến khi tiêu chuẩn hay quy định được ban hành.

"Việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự chuyển đổi và đầu tư của doanh nghiệp về phát triển bền vững", bà Julia Tay nói.

Nhấn mạnh trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp không thể tự mình thực hiện, bà Claudia Anselmi nêu rõ: "Cần sự vận hành của toàn bộ hệ thống, từ tài chính, kế toán tới quy định pháp lý. Đây là hành trình dài cần nhiều sự hỗ trợ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.