Lòng nhân ái cũng phải được đặt đúng chỗ, trao đúng lúc. Nếu không thế, trước khi tiếp tay cho những trò bóc lột mất nhân tính của những kẻ chăn dắt, chúng ta có thể vô tình góp phần làm tha hóa nhân cách chính đồng bào mình.
Lòng nhân ái cũng phải đặt đúng chỗ, nếu không chúng ta có thể vô tình góp phần làm tha hóa nhân cách chính đồng bào mình - Ảnh: Đỗ Trường
|
Mấy năm trước, ở một tiệm bánh tại Biên Hòa, có cô bé khoảng 12 - 13 tuổi thường đứng ngửa nón xin tiền. Cô bé túc trực ở tiệm bánh ấy từ chiều đến tối và tỏ ra không thích khi được cho một cái gì đó không phải là tiền.
Tôi thường đưa con tôi, cũng tầm tuổi cô bé, ra tiệm ấy mua bánh và lần nào cũng vậy, con tôi không bao giờ quên nhắc tôi mua bánh cho cô bé. Thường thì con ăn bánh gì thì tôi sẽ mua cho cô bé một cái tương tự. Thế nhưng có hôm, cô bé cũng từ chối loại bánh mà mẹ con tôi mua tặng, lại chủ động đề xuất loại bánh cô bé muốn. Tôi đã nghĩ, thương bé như con và đây cũng là dịp dạy cho con lòng nhân ái, tương trợ, nên đã mua tặng.
Thời gian trôi đi và cô bé lớn lên, có dáng dấp một thiếu nữ. Tôi biết cô bé vẫn đi học một buổi và buổi còn lại thì đi kiếm tiền như vậy. Từ ngạc nhiên tôi dần đi đến một cảm giác rất không tích cực, là cảm thấy bực mình vì hình ảnh một cô con gái đã lớn mà vẫn nhẫn nhịn ngả mũ ăn xin.
Ở tuổi ấy, một cô gái có thể làm gì? Con tôi đã có thể lau dọn nhà cửa, nghĩa là có thể tập đi phụ việc nhà kiếm tiền. Nhiều bé đã có thể phụ chạy chợ cho ba mẹ. Tôi khi bằng tuổi cô gái ấy đã một buổi đi học một buổi đi bán rau quả cho mẹ kiếm ít đồng phụ tiền muối mắm. Nhưng, cô bé ấy thì vẫn một mực đứng xin ăn ở nơi mà cô có thể gặp rất nhiều các bạn cùng trang lứa, thậm chí là bạn học của mình.
Ít lâu sau, mẹ con tôi không còn gặp cô bé ấy nữa. Thay vào đó là một bé trai. Cậu ấy là em ruột cô bé kia, sau này tôi biết thế. Cậu ấy bắt đầu công việc xin ăn cũng khoảng tuổi chị năm nào và cũng kiểu ngửa nón trong lặng lẽ như vậy.
Tôi đọc trong dáng vẻ và trong ánh mắt của cả hai chị em sự ngượng ngùng như nhau. Và tôi vẫn tự hỏi, điều gì và ai đã làm cho hai đứa trẻ đang tuổi hình thành nhân cách phải chấp nhận và đã chấp nhận một cách kiếm tiền thấp kém như thế?
Tôi nhớ đến ông cụ khiếm thị đã đứng trước cổng cơ quan cũ của tôi bán vé số từ khi tôi là một cô sinh viên mới ra trường, cho đến nay, con tôi sắp vào đại học. Ông tự bán vé số nuôi thân và nuôi con từ lúc còn tự đi bộ, dò đường bằng gậy từ nhà ra chỗ bán, cho đến nay, phải ngồi xe lăn cho người đẩy.
Tôi cũng nhớ cụ bà 81 tuổi có 4 – 5 đứa con mà đứa nào cũng nghèo, vì thế cụ bán vé số dạo kiếm ngày hai bữa cơm. Nhiều hôm tôi bắt gặp cụ ngồi bên hàng rào ven đường nghỉ mệt. Già thế, chân cẳng ngày một yếu, nhưng cụ vẫn đi. Vì đơn giản, không tự làm việc nuôi sống mình thì làm khổ con, mà chúng thì, theo lời cụ, “lo cho con chúng thôi cũng đủ khổ rồi!”.
Giờ, trên nhiều nẻo đường, người ăn xin vẫn chực chờ ở các ngã tư, ở những cửa hàng, quán ăn, cây xăng, chùa chiền. Có khi dừng xe, nhìn thấy cảnh lê lết lem luốc mà không cho đồng nào thì thấy lòng áy náy. Nhưng, tôi cứ nghĩ, vài đồng bạc trao không đúng chỗ đang vô tình làm hại những người mà đáng ra họ phải được giúp đỡ để vượt ra chính những éo le khốn khó bằng sức lao động, bằng một công việc chân chính.
TP.HCM năm rồi có đề xuất kêu gọi người dân không trực tiếp cho tiền người ăn xin; đồng thời cũng nỗ lực mở rộng các cơ sở chăm sóc người lang thang cơ nhỡ. Nếu muốn ủng hộ những người khó khăn, người dân được kêu gọi đóng góp qua các tổ chức đoàn hội… Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng.
Thiết nghĩ, lòng nhân ái cũng phải được đặt đúng chỗ, trao đúng lúc. Nếu không thế, trước khi tiếp tay cho những trò bóc lột mất nhân tính của những kẻ chăn dắt, chúng ta có thể vô tình góp phần làm tha hóa nhân cách chính đồng bào mình.
Bình luận (0)