Trước áp lực từ mưa lũ, Thống đốc bang New York Kathy Hochul hôm qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với TP.New York gồm 8,5 triệu dân và các vùng ngoại ô đông đúc dân cư của thành phố, bao gồm Long Island ở phía đông và thung lũng sông Hudson ở phía bắc.
Mưa lớn gây lũ quét nguy hiểm
Hôm qua, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho hay chỉ trong một ngày sân bay John F.Kennedy ở khu Queens của TP.New York tiếp nhận lượng mưa 21,97 cm, phá mọi kỷ lục mưa lớn nhất từ năm 1948. Một phần của khu Brooklyn chứng kiến lượng mưa hơn 18,41 cm, với ít nhất một khu vực ghi nhận lượng mưa kỷ lục 6 cm trong vòng một giờ.
Mưa như trút nước đã dẫn đến tình trạng nước lũ dâng nhanh ở nhiều nơi của TP.New York. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số trục đường chính biến thành sông, vây hãm xe cộ và biến các căn hộ tầng hầm thành những bể nước. Sở Cứu hỏa TP.New York thông báo đã giải cứu thành công người dân khỏi 6 căn hộ tầng hầm ngập nước. Nước lũ cũng tràn vào 150 trong số 1.400 trường học của thành phố. Một trường phải sơ tán vì lò hơi bốc khói do nước xâm nhập.
Nước lũ cũng "tấn công" hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt, gây nên tình trạng gián đoạn nghiêm trọng ở nhiều nơi. Reuters dẫn lời Thống đốc Hochul thống kê được 10 tuyến xe lửa phải ngừng hoạt động ở Brooklyn và cả 3 tuyến ở Metro-North. Tính đến tối 29.9 (giờ địa phương), hầu như mọi tuyến tàu điện ngầm của thành phố ngừng chạy một phần, chuyển sang tuyến khác hoặc chạy chậm. Tuyến đường sắt Long Island bị tắc nghẽn; 44 trong số 3.500 xe buýt của TP.New York bị ngập trong nước, dịch vụ xe buýt bị gián đoạn khắp thành phố.
Hoạt động hàng không cũng bị ảnh hưởng. Tính đến khuya 29.9 (giờ địa phương), trang Flight Aware ghi nhận 155 chuyến bay lẽ ra khởi hành từ sân bay LaGuardia của TP.New York đã bị hủy, trong khi 1.709 chuyến bay cất cánh trễ, theo AP. Thêm 371 chuyến bay đến LaGuardia từ những nơi khác cũng bị hủy hoặc lùi giờ đáp. Giới chức quản lý sân bay LaGuardia buộc phải đóng cửa nhà ga A trong ngày vì ngập. Phi trường quốc tế John F.Kennedy cũng ghi nhận hơn 100 chuyến bay bị hủy và 268 chuyến bay bị trễ.
Liên tục các đô thị thế giới bị ngập nặng
Vài ngày trước, thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng trải qua tình trạng mưa lớn kỷ lục gây ngập. Báo The Nation hôm 26.9 dẫn thông tin từ Sở Thoát nước Bangkok cho biết lượng mưa cao nhất được ghi nhận ở quận Phra Khanong, với 14,05 cm. Lũ quét được trình báo tại một số khu vực, bao gồm khu Soi Pridi Banomyong (Sukhumvit 71), quận Udomsuk và Bangna. Lũ lụt gây gián đoạn giao thông ở đường Sukhumvit và các con đường phụ dọc theo trục đường chính của thủ đô Thái Lan.
Chuyện gì xảy ra ở các đô thị như New York ?
Các nhà khoa học cho hay những gì xảy ra ở TP.New York hoặc các đô thị khác trên thế giới là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Cụ thể, một vùng không khí ấm hơn hoạt động như một miếng bọt biển khổng lồ, đủ sức hấp thụ thật nhiều hơi nước trước khi trút mưa xuống một khu vực với tốc độ như vũ bão.
"Nhìn chung, theo chúng tôi được biết, sự thay đổi trong mô hình thời tiết như thế này là hậu quả của biến đổi khí hậu", Đài CNN hôm 30.9 dẫn lời ông Rohit Aggarwala, người quản lý cơ quan khí hậu của TP.New York. "Và thực tế phũ phàng là khí hậu thay đổi nhanh hơn năng lực ứng phó của hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị", ông cảnh báo.
Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Hồng Kông hồi đầu tháng mới thực sự là thảm họa. Đô thị gồm 7,5 triệu dân gần như bị tê liệt hoàn toàn hôm 8.9, khi lũ quét ập xuống các trạm xe điện và biến đường phố thành biển nước. Giới hữu trách Hồng Kông phải tạm thời đóng cửa các trường học và thúc giục người dân đến chỗ cao chờ nước rút.
Đài thiên văn Hồng Kông cho biết chỉ trong vòng một giờ trước nửa đêm 8.9, thành phố hứng chịu lượng mưa 15,8 cm, cao nhất theo giờ kể từ khi số liệu được thu thập vào năm 1884 (tức khoảng 140 năm). Một số khu vực của thành phố chứng kiến lượng mưa gần 50 cm trong vòng 24 giờ, theo website dữ liệu thời tiết trực tuyến OGimet.
Một điểm chung của các sự kiện nêu trên là chính quyền đô thị không thể xoay xở dù biết trước mưa lớn ập đến.
Bình luận (0)