Lý do na ná nhau
Cuối tháng 8.2008, Công ty cổ phần (CTCP) đầu tư và xây dựng Lương Tài (LUT) đăng ký mua lại 200.000 CP quỹ. Nguồn vốn để mua CP quỹ được công ty lấy từ Quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa chia của công ty tính đến giữa năm 2008. Tuy nhiên, hết 3 tháng (5.9 - 5.12.2008) thực hiện mua CP quỹ, LUT chỉ mua vào 1/5 số lượng CP đã đăng ký mua, tương đương 40.000 CP quỹ.
Lý do LUT đưa ra là "do xu hướng giảm giá chung của thị trường nên công ty hạn chế mua vào để đảm bảo lợi ích cổ đông". Trước đó, từ ngày 12.3 - 10.6.2008, CTCP vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) cũng đăng ký mua vào 1 triệu CP quỹ nhưng cuối cùng cũng chỉ đạt 909.540 CP, nguyên nhân do thị trường có nhiều biến động, giá CP không có lợi cho công ty và cho cổ đông. Cũng trong thời gian 3 tháng (từ giữa tháng 7 - đến giữa tháng 10.2008), CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT) đăng ký mua vào 500.000 CP quỹ nhưng chỉ mua vào 45.000 CP, chưa bằng 1/10 số lượng CP đăng ký.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối với hàng loạt công ty, chỉ mua một phần số lượng CP quỹ so với đăng ký như: CTCP xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre chỉ mua 580.740 CP trên số đăng ký 800.000; CTCP Siêu Thanh chỉ mua 61.000 CP trong khi số đăng ký là 300.000; CTCP Viễn Liên (UNI) mua 234.580 CP trên số đăng ký 300.000... Lý do các công ty không thực hiện mua hết số lượng CP quỹ đều na ná nhau là vì lợi ích cổ đông và do thị trường không thuận lợi.
Trách nhiệm quản lý đến đâu
Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM phân tích, một số công ty lấy lý do mua CP quỹ là để bình ổn giá nhưng nguyên tắc này không có trong tài chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ mua CP quỹ trong trường hợp không có cơ hội đầu tư trong tương lai và giá CP trên thị trường thấp hơn giá trị nội tại. Vì vậy, lý do bình ổn giá là không hợp lý.
Chuyên gia này phân tích, không ít doanh nghiệp dùng "chiêu" mua CP quỹ để làm giá chứng khoán của mình. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư không bị ngộ nhận về việc mua CP quỹ nên vẫn tiến hành bán ra chứng khoán khiến triển vọng tăng giá của CP này không có. Lúc này, các doanh nghiệp chơi trò không mua nữa với lý do "bảo vệ lợi ích cổ đông".
Đứng từ góc độ khác, ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp có thể lợi dụng đăng ký mua CP quỹ nhưng không có quy định gì ràng buộc sau đó để làm giá chứng khoán. Ông Chí đặt câu hỏi, vai trò giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ở đâu trong trường hợp không thực hiện mua hết số lượng CP quỹ đã đăng ký.
Cũng đồng quan điểm này, ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM khẳng định, việc mua CP quỹ của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua "đầy màu sắc" của việc làm giá cổ phiếu. Trên thực tế, việc mua CP quỹ không được coi như một khoản đầu tư mà là trong trường hợp doanh nghiệp dư tiền trong khi cơ hội kinh doanh không nhiều.
Ông Nam cũng cho rằng, về ý nghĩa của việc mua CP quỹ của các công ty, yếu tố hiệu quả chỉ chiếm một phần nhỏ trong động thái này mà chủ yếu là cứu giá. Điều này thể hiện ở chỗ chỉ một thời gian ngắn sau khi mua CP quỹ, nhiều công ty lại phát hành thêm hoặc phát hành CP thưởng. Vì vậy, khi không đạt được mục đích chính là cứu giá thì việc bỏ dở hoặc không tiếp tục thực hiện mua nữa cũng là chuyện dễ hiểu.
Một quy định ràng buộc cụ thể các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm túc mua CP quỹ đang là điều mà thị trường chờ đợi từ UBCKNN để thị trường phát triển một cách lành mạnh hơn.
Nguyên Hằng
>> Mua cổ phiếu quỹ có cứu được giá?
>> Đầu tư dựa theo “cổ phiếu quỹ”
>> Quy định mới về cổ phiếu quỹ, cổ phiếu thưởng
Bình luận (0)