Thử thách đầu tiên của tân tổng thống Mỹ

01/02/2009 00:42 GMT+7

Ông Barack Obama đã trải qua 10 ngày đầu tiên khá suôn sẻ trên cương vị tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện chiều 28.1.2009 cho thấy mục tiêu đoàn kết lưỡng đảng đã không thể thực hiện được. Mời nghe đọc bài

Chủ trương hợp lòng dân

Công việc đầu tiên mà ông Obama thực hiện trong những ngày đầu là ký sắc lệnh đảo ngược một số chính sách gây tranh cãi nhất của vị tổng thống tiền nhiệm. Ông đã ban lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo trong vòng một năm, duyệt lại các tòa án quân sự xét xử tội phạm chiến tranh và cấm các phương pháp thẩm vấn tàn bạo...  Nhưng điều mà cử tri trông đợi nhất chính là kế hoạch phục hồi kinh tế để tạo công ăn việc làm cho họ.

Ông Obama đã có những động thái nhắm vào giới quản lý doanh nghiệp để tranh thủ sự hậu thuẫn của dân chúng. Ngày 29.1, ông đã chỉ trích về những khoản tiền lớn mà các công ty ở Phố Wall thưởng cho các nhà lãnh đạo của họ trong năm 2008.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng với Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, ông Obama cho rằng hành động đó thể hiện sự vô trách nhiệm và rất đáng hổ thẹn, vì việc thưởng khoản tiền quá lớn như thế diễn ra trong một năm mà tình hình kinh doanh của các công ty không khấm khá, và rất nhiều công ty phải xin tiền cứu nguy của người đóng thuế.

Phản ứng của Tổng thống Obama được đưa ra sau khi có báo cáo cho thấy những nhà quản lý ở Phố Wall đã được thưởng đến 18,4 tỉ USD trong năm 2008. Ông Obama nhấn mạnh là sẽ có lúc họ làm ra lợi nhuận kếch sù cho công ty và sẽ nhận được những khoản tiền thưởng tương ứng, nhưng theo ông, bây giờ chưa phải lúc.

Cách đây mấy ngày, dưới sức ép của tân Tổng thống Obama, tập đoàn Citigroup đã tuyên bố sẽ không mua chiếc phản lực cơ trị giá 50 triệu USD mà họ đã đặt hàng trước cuộc khủng hoảng tài chính. Ngày thứ hai vừa rồi, nhật báo New York Post đưa tin Citigroup sẽ tiếp nhận chiếc máy bay sau khi nhận khoản tiền cứu nguy 45 tỉ USD, nhưng khi thảo luận với Citigroup, Nhà Trắng đã lặp lại quan điểm của Tổng thống Obama rằng việc mua máy bay riêng như thế là không thích hợp trong thời điểm hiện nay.

Còn nhớ hồi tháng 11.2008, các giám đốc điều hành của 3 đại gia xe hơi General Motors, Chrysler và Ford tới Washington xin tiền cứu trợ mà đi bằng máy bay riêng của công ty khiến dư luận chỉ trích kịch liệt. Sau đó, các vị này đã đi bằng xe hơi hoặc máy bay thương mại trong các cuộc họp và điều trần kế tiếp.

Hai đảng vẫn bất đồng

Khi chuyển qua Quốc hội kế hoạch phục hồi kinh tế với mức dự chi lên đến 825 tỉ USD, ông Obama nhắm đến hai mục tiêu: nhanh chóng thông qua để ký ban hành và tranh thủ sự đồng lòng của cả 2 đảng. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Obama muốn có sự ủng hộ lưỡng đảng nên đã kêu gọi bỏ chuyện đảng phái qua một bên khi cử tri đang trông chờ cơ quan lập pháp và hành pháp hành động.

Ông đã bỏ khá nhiều thì giờ để thuyết phục lãnh đạo cả 2 đảng Dân chủ (phe nhà) và Cộng hòa (đối thủ). Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng chỉ đạt được mục tiêu thứ nhất, tức nhanh chóng thông qua dự luật, còn mục tiêu thứ hai thì thất bại. Trong cuộc bỏ phiếu, toàn thể 177 dân biểu Cộng hòa đã đồng lòng bỏ phiếu chống, cộng với 11 dân biểu đảng Dân chủ xé rào đi theo “phe địch”, nhưng dự luật vẫn được thông qua với 244 phiếu thuận của các dân biểu Dân chủ –  nhưng mức dự chi có điều chỉnh còn 819 tỉ USD.

Dự luật đã được chuyển qua Thượng viện mà cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại đây trong tuần tới có thể dự đoán trước là sẽ có kết quả khá hơn. Để được thông qua, dự luật cần có ít nhất 60 thượng nghị sĩ ủng hộ, nghĩa là ngoài số phiếu của đảng Dân chủ, ông Obama cần thêm 2 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận. Có thể thấy là các thượng nghị sĩ đang bị áp lực rất lớn.

Một loạt những tin tức vào cuối tuần cho thấy nền kinh tế Mỹ đang lún sâu vào suy thoái. Số liệu của Bộ Thương mại công bố ngày 30.1 cho thấy kinh tế liên bang giảm 3,8% trong quý IV/2008. Đây là mức suy giảm kinh tế cao nhất trong một quý kể từ đầu năm 1982.

Như vậy, tính cho cả năm 2008 thì kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ 1,3% so với 2% của năm 2007. Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong một năm kể từ năm 2001. Trong khi đó, các công ty, hãng xưởng liên tục công bố việc cắt giảm nhân viên, gây áp lực mạnh khiến giới lập pháp phải nhanh chóng thông qua dự luật kinh tế mà phía hành pháp nói là sẽ kiến tạo từ 3 đến 4 triệu chỗ làm trong vài năm tới.
 
Có thể xem việc không giành được sự ủng hộ của phe Cộng hòa ở Hạ viện cho dự luật kích thích kinh tế là một đòn giáng mạnh vào hy vọng của ông Obama về việc xây dựng sự đồng tâm ở Washington trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, ông Obama vẫn đang nắm thế thượng phong. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, có thể nói là ít ai dám bỏ phiếu chống lại kế hoạch phục hồi kinh tế. Các cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện đều công khai để cử tri có thể biết vị đại diện cho mình bỏ phiếu như thế nào. 

Lê Đình Bì (từ California)

Hàng loạt thách thức đón chờ ông Obama

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.