Ký ức 21 năm
Đã 21 năm trôi qua, điều ông Ba ray rứt nhất là không ở bên vợ lúc bà ra đi vĩnh viễn. “Trưa đó đang nhổ mạ thì có người gọi nhưng tôi không về kịp”. Ngày vợ ra đi, đàn con của ông 7 đứa, đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ mới sinh được 72 ngày. Ông lại còn mẹ già. Ông nói nếu không vì đàn con bơ vơ nheo nhóc, ông đã đi theo vợ. Đám tang, nhìn con thơ bảy đứa trắng vành khăn tang, ông đau như xé gan, xé ruột. Tài sản duy nhất của ông lúc đó là 5 công dừa và 2 mẫu ruộng. Ruộng ngập mặn, mỗi năm chỉ làm được một vụ, thu hoạch trên dưới 100 giạ lúa. Liên tiếp những năm sau đó mùa màng đều thất bát. Cuộc sống ông Ba Ngọn quá lao đao.
Ông Ba Ngọn đã lao vào làm bất kể việc gì dù nhỏ nhặt và cả những việc không tên. Việc làm ở nông thôn theo mùa, có việc gì ông nhận làm việc đó. Mỗi ngày cứ 3 giờ sáng ông đã thức dậy, bơi xuồng ra ruộng đổ nò kiếm mớ cá cho các con rồi mới đi làm mướn. Mùa lúa chín ông đi gặt thuê, mỗi ngày được 20.000 đồng. Đến 6g sáng ông đã có mặt ở đồng, gặt tới 2g chiều mới nghỉ. Thời gian còn lại ông lật đật chạy về ruộng nhà gặt lúa. Mãi hơn 7g tối mới thấy ông lò dò về. Hết gặt mướn ông lại đi gom lúa thuê. Mùa mưa ông đắp đất làm bờ ruộng. Khi chòi tôm rộ lên, ông đi chở lá thuê, lợp chòi mướn.
Nguy hiểm nhất là chở lá dừa bằng xuồng ba lá mà chỉ có một mình. Ông chằng lá. Ông giữ thăng bằng cho chiếc xuồng. Ông chèo lái. Chiếc xuồng tròng trành, một người không thể nào chở nổi. Vậy mà ông làm được. Suốt một năm ròng ông chở trên 100 chuyến xuồng lá. Nhiều bữa mệt rã chân tay không đi đứng nổi, ông cũng không hé một lời với con. “Bằng mọi cách phải làm cho tụi nhỏ an tâm học hành. Nếu mình sợ khổ, sợ mệt, bắt con phụ làm thì tụi nhỏ sẽ không học được” - ông giải thích.
Năm 1990, mùa màng thất bát. Hai mẫu ruộng chỉ được 50 giạ lúa. Bảy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đi gặt mướn được chủ nhà cho ăn bữa trưa, ông ráng ăn thật no để nhường phần cơm buổi chiều cho sắp nhỏ. Mỗi bữa ăn 10 chén, ông Ba Ngọn nổi tiếng ăn khỏe nhất vùng. Khi đó lưới chài chưa nhiều, ông lại nghĩ ra cách làm nò bán. Cứ ba ngày mới làm xong một cái. Tre nhà thì sẵn (bụi tre nay đã te tua vì cơn bão số 9 hồi năm 2008). Ông kiếm được kha khá từ tiền làm nò.
Năm 1996, khi dừa bắt đầu cho thu hoạch thì trúng năm rẻ thảm hại: một chục có 3.000 đồng. Ông nảy ra sáng kiến mua dừa chở về nhà, lấy ruột bán vốn. Phần lời là lớp vỏ làm củi chụm.
“Khổ mấy cũng phải lo cho con nên người”
Trong bảy đứa con, nuôi cực nhất là thằng út Trần Phúc Hậu. Hậu bị suy dinh dưỡng nặng do mẹ mất sớm. Biết bao đêm ông Ba Ngọn không ngủ được. Không có sữa mẹ, thằng nhỏ đói lả, khóc xé gan xé ruột. Ông ẵm con, đau rớt nước mắt. Người cha nghèo nghĩ ra cách lấy gạo trộn với đậu đen, đậu xanh, đậu nành rồi qua tuốt Tiền Giang xay làm bột. Một con mắt của Hậu lại bị tật vĩnh viễn do bệnh ban đỏ. Hàng xóm nhiều người bảo thằng bé không sống nổi.
Ông Ba Ngọn cùng mẹ con Trần Thị Trúc Mai. Trúc Mai hiện là giáo viên cấp III Trường THPT Bình Đại A (thị trấn Bình Đại, Bến Tre) - Ảnh: My Lăng |
“Tôi có niềm tin cứng lắm. Tôi tin con mình nhất định sẽ sống” - ông Ba Ngọn cười hể hả. Cậu bé oặt ẹo ấy bây giờ đã là sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM. Trước đó Hậu học Đại học Y dược Cần Thơ được một năm thì xin nghỉ vì mắt quá yếu, không theo nổi.
Hồi còn khó khăn, có người đến xin Hậu về nuôi và gửi lại một lượng vàng. Ông bảo: “Nếu tôi không sống bằng tâm thì sẽ đồng ý ngay. Lúc đó quá khó khăn mà một lượng vàng thì lớn lắm. Nhưng tôi từ chối không đắn đo”. Sau khi vợ mất một năm, con trai lớn của ông là Trần Hoàng Bá Phúc đang học lớp 9 xin nghỉ học đi làm. Lúc đó quá khó khăn, ông không còn cách nào khác. Rút hồ sơ cho con nghỉ, ông rớt nước mắt.
“Những đứa còn lại tôi quyết bằng mọi cách phải cho chúng vào đại học. Nhà tôi có truyền thống hiếu học, cha tôi hồi nhỏ đi chăn trâu cho nhà điền chủ, tối tối lén ăn cắp dầu ngậm vô miệng rồi xuống chuồng trâu nhả ra, đốt đèn học. Tôi học hết trung học đệ nhất cấp thì nghỉ vì chiến tranh. Chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời nên khổ đến mấy tôi cũng ráng mần lo cho tụi nhỏ nên người. Tôi luôn nói với các con rằng: trách nhiệm của cha là lo mần, còn mấy đứa phải học cho đàng hoàng” - ông Ba Ngọn kể.
Năm 1996 Thanh Trúc, con gái lớn của ông, thi đậu Cao đẳng Sư phạm Bến Tre. Sau khi học xong, Trúc học tiếp lên đại học tại TP.HCM. Đó là giai đoạn rất khó khăn. Có khi kẹt quá, ông chỉ gửi cho con năm chục, sáu chục ngàn đồng một tháng. Năm 2001 Trúc Mai thi đậu Đại học Sư phạm Cần Thơ. Một năm sau, Trọng n đậu cùng trường với chị, khoa kinh tế. Tuấn Tú lại nhập học Đại học dân lập Cửu Long. Ông Ba Ngọn hoảng hồn khi biết học phí của Tú là 3,4 triệu đồng/năm. Trong nhà chỉ còn đúng 2 triệu đồng và 100 giạ lúa dự trữ để ăn hằng năm. Ông Ba Ngọn thức trắng đêm.
May mắn là lúc đó đang rộ lên phong trào nuôi tôm. Hai mẫu ruộng cho người ta thuê được 197 triệu đồng, ông gửi hết vào ngân hàng. Ông vẫn đi làm thuê, không dám đụng tới số tiền đó. Mỗi tháng ông rút ra một ít lo cho con ăn học rồi mua xe, máy vi tính cho mấy đứa đi làm. Năm 2004, Trọng Hữu thi đậu Đại học Y dược Cần Thơ và được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ. Một năm sau, với thành tích sinh viên giỏi, Hữu được UBND huyện Bình Đại tặng bằng khen.
Giờ đây, khi số tiền gửi ngân hàng chỉ còn 10 triệu đồng thì bốn người con của ông đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Trọng Hữu và Trọng n cũng sắp ra trường. “Tôi không giỏi gì đâu. Cứ lầm lũi đi làm, ngẩng đầu nhìn lại thấy các con mình như vậy là ngon rồi” - ông Ba Ngọn nhấp ngụm trà, cười viên mãn. Ông nói: “Tôi luôn nói với các con: cha có thể kiếm tiền thay tụi con chứ không thể làm điều thiện giùm các con được. Mình tu nhân tích đức, làm điều lành thì trời không bao giờ phụ”.
Hỏi sao ông không đi bước nữa để có người đỡ đần, bầu bạn lúc về già, ông cười: “Cực quá thì đôi lúc cũng nghĩ bâng quơ vậy chứ ngó quanh thấy không ai bằng vợ mình. 15 năm tròn bên nhau không một lần lớn tiếng, nghĩa tình quá sâu nặng” - đôi mắt ông bỗng xa xăm vời vợi nhìn ra khoảng sân trước nhà.
Theo My Lăng / Tuổi Trẻ
>>Gà trống nuôi con - Kỳ 1: Người cha bại liệt và đàn con thơ
>>Gà trống nuôi con - Kỳ 2: Quét rác nuôi con vào đại học
>>Gà trống nuôi con - Kỳ 3: Cha con nhà 3 điểm 10
>>Gà trống nuôi con - Kỳ 4: Người cha mù nuôi hai con
>>Gà trống nuôi con - Kỳ 5: Khổ cả đời để con khôn lớn
Bình luận (0)