Nga đánh thức 'đoàn tàu tử thần'

19/05/2016 08:43 GMT+7

Nga đang phát triển đoàn tàu tên lửa nhằm đối phó việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Theo trang tin Russia Beyond The Headlines (RBTH), Nga đang khôi phục sản xuất đoàn tàu quân sự chở tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu nhẹ mới. Một khi hoàn tất, đoàn tàu Barguzin sẽ được bàn giao cho quân đội Nga vào khoảng năm 2020. Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, thượng tướng Sergei Karakayev cho hay mỗi đoàn tàu mới sẽ được trang bị 6 tên lửa đạn đạo và sẽ có 5 đoàn tàu như vậy được đưa vào biên chế quân đội Nga.
Khả năng tàng hình cao
Các chuyên gia Nga hiện bắt tay vào chế tạo các bộ phận của đoàn tàu Barguzin, Hãng Sputnik đưa tin. Đoàn tàu mới sẽ được trang bị tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân MS-26 Rubezh, nhẹ hơn song không kém phần hiệu quả so với tên lửa chiến thuật Molodet từng triển khai trên các đoàn tàu vào thập niên 1980, theo trang RBTH.
Tên lửa mới Rubezh sẽ do Viện Công nghệ nhiệt Moscow chế tạo và có thể triển khai vào vị trí khai hỏa chỉ trong vài phút. Đây cũng là nơi từng thiết kế các tên lửa chiến lược nhiên liệu rắn như Topol-M, Bulava và Yars.
Điều đặc biệt là đoàn tàu Barguzin có khả năng “tàng hình” cao khi qua mặt được radar của đối thủ nhờ vẻ ngoài tương tự như mọi đoàn tàu chở hàng hóa thông thường cùng công nghệ “tàng hình” hiện đại. Tổ hợp phóng tên lửa hạt nhân này còn có thể di chuyển liên tục, chạy dọc ngang trên các tuyến đường sắt Nga, vốn dài thứ hai trên thế giới. Theo Sputnik dẫn nguồn từ các chuyên gia quân sự, đoàn tàu Barguzin có thể đi hơn 1.000 km mỗi ngày mà không bị phát hiện, đồng thời có thể phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào trong suốt hành trình. Chính đặc điểm này khiến đoàn tàu được ví von là “đoàn tàu tử thần”. Ngoài ra, đoàn tàu tên lửa Barguzin sẽ được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tân tiến.
Đoàn tàu hạt nhân đầu tiên vốn được đưa vào hoạt động trong quân đội Liên Xô vào năm 1987 và trong suốt những năm sau đó nó trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí của Moscow thời Chiến tranh lạnh. Nhưng tổ hợp tên lửa này đã bị ngưng sử dụng hoàn toàn vào năm 2007 theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START II) giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, việc Moscow hiện đại hóa đoàn tàu Barguzin không vi phạm điều khoản của Hiệp ước New START được hai bên ký kết tại CH Czech vào năm 2010, theo Hãng Sputnik. Hiệp ước giới hạn mỗi bên triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân như tên lửa hoặc máy bay ném bom chiến lược, cũng như chỉ được trữ 100 phương tiện trong kho vũ khí.
Tính đến 1.4.2016, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, kho vũ khí của Nga có 521 tên lửa chiến lược. Ngoài ra, Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào năm 2018 và chưa rõ có tiếp tục được gia hạn hay không.
Khắc tinh lá chắn tên lửa
Quyết định khôi phục lại “đoàn tàu tử thần” kể trên của lãnh đạo Nga được xem là nỗ lực nhằm phản ứng với việc NATO đưa vào hoạt động trạm phòng thủ tên lửa đặt trên lãnh thổ Romania và xúc tiến xây một trạm tương tự ở Ba Lan. Hai trạm này cùng với trạm radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4 tàu chiến Mỹ đang đậu ngoài khơi miền nam Tây Ban Nha sẽ tạo nên hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO ở châu Âu. Nga phản đối quyết liệt vì xem hệ thống trên là sự tăng cường vũ trang của NATO, làm thay đổi cân bằng chiến lược ở châu Âu và đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga.
Theo lời thượng tướng Karakayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh khôi phục đoàn tàu tên lửa để làm đối trọng với chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ (PGS). Hãng Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Leonid Nersisyan nhấn mạnh việc Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào đầu những năm 2000 khiến Nga lo lắng và buộc phải tìm cách đối phó với mối đe dọa.
Theo ông Nersisyan, PGS là hệ thống có thể tạo ra các cuộc không kích với độ chính xác cao nhằm vào mọi mục tiêu trên hành tinh chỉ trong vòng 1 giờ bằng các vũ khí bội siêu thanh. Bộ Ngoại giao Nga từng nhiều lần nói rằng nỗ lực của Washington nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và thiết lập chương trình PGS là đòn giáng mạnh vào các cuộc hội đàm đang diễn ra về giải trừ hạt nhân giữa hai nước. Tuy nhiên, chuyên gia Nersisyan nhấn mạnh đoàn tàu Barguzin sẽ giúp vô hiệu hóa mọi thách thức kể trên.
Chiến đấu cơ Anh chặn máy bay Nga gần Estonia
Theo tờ The Telegraph, các chiến đấu cơ Typhoon thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã chặn 5 máy bay Nga đang bay gần không phận của Estonia ngày 17.5. Phía Anh còn cho biết vào thời điểm trên, các chiến đấu cơ của nước này đang thực hiện sứ mệnh tuần tra trong khuôn khổ chương trình bảo vệ không phận 3 nước Baltic của NATO. Ban đầu, các phi công của Typhoon phát hiện 2 chiếc Su-27 cùng 1 máy bay do thám IL-20 Coot-A tiến về phía bắc của Estonia. Sau đó, họ nhìn thấy thêm 2 chiếc Su-27. Theo tờ The Telegraph dẫn nguồn từ London, các máy bay Nga đang bay trong không phận quốc tế dọc biên giới phía bắc và phía tây của Estonia nhưng không thông báo với bộ phận kiểm soát không lưu cũng như không phát mã nhận dạng.
Giới chức quốc phòng Anh nói rằng đây là lần thứ hai trong vòng một tuần các chiến đấu cơ RAF phải xuất kích để chặn máy bay Nga tiếp cận vùng phụ trách của NATO. Vào tuần trước, lực lượng RAF đã chặn 3 máy bay vận tải quân sự Nga đang bay đến gần các nước vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục bảo vệ vùng trời Baltic suốt 24/24 dựa trên ủy nhiệm của NATO và đồng minh.
Chiến đấu cơ Typhoon (giữa) truy đuổi máy bay IL-20 (trên) và Su-27 (dưới) ngày 17.5  Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.