Theo ông Lavrov, một phần trong dự thảo thỏa thuận mang tên “Thông cáo Istanbul” khi đó là các cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong đó Nga cũng đóng vai trò là một “bên đảm bảo”.
Ngoại trưởng Nga tiết lộ các cam kết này “vô cùng nghiêm túc”, ngang bằng với Điều 5 hiến chương NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).
“Những hình thức đảm bảo nào có trong văn kiện Istanbul này? Cuối cùng, chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận, như phái đoàn Ukraine mong muốn, rằng những đảm bảo này vô cùng nghiêm túc. Đúng vậy, giới hạn của mức độ nghiêm túc này được định nghĩa trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương”, ông Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik và hai đài phát thanh của Nga, đề cập đến thỏa thuận được xem là hiến chương của NATO.
Tuy nhiên, ông Lavrov cũng cho hay các cam kết này đi kèm với một số điều kiện, bao gồm việc chúng sẽ không được áp dụng cho vùng Donbass hay bán đảo Crimea. Nếu các khu vực này bị tấn công, thỏa thuận giữa Nga và Ukraine sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức. Nga đã đơn phương sáp nhập Crimea vào năm 2014 cũng như các tỉnh thuộc vùng Donbass ở miền đông Ukraine vào năm 2022.
Điều 5 hiến chương NATO quy định rằng bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện thực hóa mục tiêu. Trong khi đó, Nga kiên quyết phản đối NATO kết nạp Ukraine và muốn Kyiv trung lập về quân sự.
Ngoại trưởng Lavrov cũng tiết lộ rằng một điều khoản khác trong dự thảo “Thông cáo Istanbul” yêu cầu không có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine, cũng như không có cuộc tập trận nào có sự tham gia của nước thứ ba ở Ukraine, “trừ khi có sự đồng ý của tất cả các bên bảo đảm, bao gồm Nga và Trung Quốc”.
Nhưng theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, các nhà đàm phán của Ukraine đã bất ngờ đưa ra đề xuất thay đổi một số điều khoản vào phút cuối. Chẳng hạn, trong điều khoản liên quan đến việc tập trận với nước ngoài, Kyiv muốn thay đổi cụm từ “trừ khi tất cả các bên đảm bảo đồng ý” thành “trừ khi đa số các bên đảm bảo đồng ý”. Vì chuyện này, hai bên cuối cùng đã không đạt được thỏa thuận tại Istanbul, theo ông Lavrov.
Đến tháng 5.2022, nỗ lực đàm phán hòa bình giữa hai bên sụp đổ, và đến nay vẫn chưa được khôi phục. Kyiv không lập tức bình luận về những tiết lộ của ông Lavrov.
Bình luận (0)