Những màn ăn miếng trả miếng
Căng thẳng giữa NATO và Nga vừa qua sôi sục trở lại sau khi NATO trục xuất nhóm nhà ngoại giao Nga với cáo buộc gián điệp, khiến Moscow đáp trả bằng quyết định đóng cửa văn phòng ngoại giao giữa hai bên từ đầu tháng 11. Diễn biến này đã cắt đứt những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên và đẩy mối quan hệ này xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Binh sĩ Pháp tham gia cuộc tập trận của NATO tại Ba Lan |
AFP |
Trước đó hồi tháng 4, căng thẳng leo thang đến mức khiến nhiều người lo sợ về một cuộc xung đột tại châu Âu khi Nga điều quân ồ ạt đến biên giới Ukraine, trong khi NATO triển khai lực lượng đến biển Đen để tập trận. Tàu chiến Anh khi đó còn di chuyển sát bán đảo Crimea khiến lực lượng Nga thả bom để cảnh cáo, hành động đã bị phía London bác bỏ.
Nga và NATO tố cáo bên còn lại gây bất ổn tình hình khi thực hiện các cuộc tập trận quân sự gần biên giới. Thời gian qua, cả NATO và Nga đều đẩy mạnh việc thiết lập vùng đệm ở biên giới của nhau bằng cách tăng cường hợp tác với các nước liên quan. Trong khi NATO gia tăng hỗ trợ và thúc đẩy kết nạp Ukraine vào khối này, hành động mà Moscow xem là “lằn ranh đỏ”, Nga lại có những động thái nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng với Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm Ukraine hôm 19.10 tuyên bố không nước thứ ba nào có quyền phủ quyết việc Ukraine gia nhập NATO và can thiệp vào chính sách đối ngoại của Kiev. Sau đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu gặp các quan chức quốc phòng Belarus và đồng ý kéo dài thỏa thuận về việc sử dụng chung cơ sở quân sự của Nga tại Belarus, theo AP.
Ông Putin nói các chuyển động quân sự ở Ukraine đang đe dọa Nga |
Tập trung vào đối thủ chính
Sau khi phương Tây kết thúc sứ mệnh tại Afghanistan, chính quyền Mỹ được cho là đang vận động đồng minh NATO tại châu Âu dồn sự tập trung vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước Đông Âu cảnh báo rằng mối đe dọa từ Nga vẫn còn hiện hữu và không thể bị cuộc đối đầu Mỹ - Trung phủ bóng.
Trả lời phỏng vấn Newsweek mới đây, lãnh đạo ngoại giao 3 nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania cho rằng Mỹ và đồng minh NATO phải giữ cảnh giác với cả Nga và Trung Quốc, cảnh báo rằng Moscow vẫn là mối đe dọa trong ngắn và trung hạn mà việc đối phó là cực kỳ quan trọng.
Mỹ, Pháp bàn kế hoạch phòng thủ châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm qua có cuộc điện đàm thảo luận những nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của châu Âu trong khi đảm bảo sự bổ sung với NATO. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói với những người đồng cấp NATO rằng không nên lo ngại về kế hoạch phòng thủ chung của EU, đồng thời nhấn mạnh năng lực của EU sẽ giúp củng cố NATO và Mỹ sẽ hưởng lợi, theo Reuters.
Giữa tuần qua, bộ trưởng quốc phòng các nước NATO thông qua chiến lược mới nhằm đối phó với các cuộc tấn công đồng thời nhắm vào vùng Baltic, biển Đen bằng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng máy tính và tấn công từ không gian. Theo Defense News, NATO sẽ cải thiện các hệ thống phòng thủ tên lửa, bổ sung chiến đấu cơ thế hệ 5 và cải thiện lực lượng răn đe hạt nhân.
Theo nhận định của giới chuyên gia, động thái này củng cố sự tập trung của NATO đối với thách thức từ Nga và chứng tỏ châu Âu vẫn coi Moscow là mối đe dọa, dù không phải là “tức thì” nhưng vẫn gây nhiều lo ngại.
Bình luận (0)