Theo Bloomberg, cơ quan giám sát truyền thông liên bang Roskomnadzor trong một email hôm 20.9 cho biết, các công ty từ chối xóa nội dung bị đánh giá là bất hợp pháp ở Nga có thể sớm phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 5% đến 20% doanh thu địa phương hằng năm.
“Đối với một số công ty đã từ chối tuân thủ yêu cầu pháp lý của cơ quan giám sát một cách có hệ thống, vấn đề tiền phạt về doanh thu đang được xem xét để đưa ra trong tương lai gần”, trích email của Roskomnadzor.
Trong năm nay, Nga đã tăng cường sức ép lên các công ty công nghệ nước ngoài. Tuần trước, Apple và Google đã phải xóa bỏ một ứng dụng tên là Smart Voting, được thiết kế để giúp những người biểu tình bỏ phiếu cho các chính trị gia, sau khi nhà chức trách cáo buộc họ can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội. Chính phủ cũng tích cực hành động để hạn chế quyền truy cập thông tin kể từ khi lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny bị bắt vào tháng 1.2021 sau khi ông trở lại Nga.
Nhiều cơ quan truyền thông độc lập ở Nga đã bị gắn thẻ “đại diện nước ngoài” và buộc phải đóng cửa, hoặc phải tuân theo các yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt. Mặc dù cuộc bầu cử ở Nga đóng vai trò là chất xúc tác cho việc siết chặt quản lý truyền thông gần đây, nhưng các biện pháp đó trên thực tế là sự tiếp nối của nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm hạn chế quyền truy cập trực tuyến thông tin ở nước này.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một loạt luật và quy định đã được áp dụng trong giai đoạn 2018 - 2019 để mở rộng khả năng lọc nội dung internet tự động của chính quyền Nga. Chính phủ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải lắp đặt thiết bị có thể chặn các trang web. Họ cũng tìm cách hạn chế quyền truy cập của công dân vào các mạng riêng ảo, công cụ được sử dụng để vượt qua kiểm duyệt và bảo vệ ẩn danh trực tuyến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3.2021 nói trong một bài phát biểu rằng “xã hội sẽ sụp đổ từ bên trong”, trừ khi internet tuân theo “không chỉ luật lệ chính thức, mà còn cả luật đạo đức của xã hội mà chúng ta đang sống”.
Các tòa án Nga trong năm nay liên tục đưa ra án phạt đối với các nền tảng công nghệ nước ngoài vì không gỡ bỏ nội dung. Theo thống kê của Roskomnadzor, Facebook đã bị phạt 66 triệu rúp (khoảng 900.000 USD) trong năm nay, Twitter là 38,4 triệu rúp và Google là 26 triệu rúp. Yêu cầu của Nga về việc xóa nội dung khỏi các trang web của Google cũng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Báo cáo minh bạch của Google cho biết, công ty đã nhận được yêu cầu xóa ít hơn 5.000 nội dung trên các trang web trong năm 2015. Đến năm 2020, con số này tăng vọt lên hơn 340.000.
Không dừng lại ở đó, cả Google và Apple còn bị phạt vì những vi phạm khác. Tháng 4.2021, giới chức Nga yêu cầu Apple phải trả 12 triệu USD trước cáo buộc vi phạm luật độc quyền. Tháng 7.2021, Google nhận được yêu cầu nộp phạt 3 triệu rúp vì từ chối lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Nga trên các máy chủ ở nước này.
Được biết, LinkedIn, thuộc sở hữu của Microsoft Corp, bị chặn ở Nga từ năm 2016 sau khi từ chối lưu trữ dữ liệu người dùng ở trong nước. Roskomnadzor trong tháng này đã chặn quyền truy cập vào sáu nhà cung cấp mạng riêng ảo, bao gồm một số dịch vụ phổ biến nhất thế giới vì cho phép truy cập thông tin và tài nguyên “bị cấm”.
Bình luận (0)