Nga quyết tâm giành lại ảnh hưởng ở châu Phi

Khánh An
Khánh An
17/08/2018 07:09 GMT+7

Nga đang quay lại châu Phi nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với phương Tây sau thời gian gián đoạn do Liên Xô sụp đổ.

Dưới thời Liên Xô, Moscow luôn duy trì sự hiện diện hùng hậu ở châu Phi trong cuộc chiến ý thức hệ với phương Tây. Khi đó, hàng chục ngàn cố vấn Nga được điều đến nhằm hỗ trợ các phong trào dân chủ tại các nước vừa chấm dứt chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 khiến Moscow phải từ bỏ hàng loạt dự án hợp tác kinh tế và quân sự ở lục địa đen vì phải đối phó với khó khăn về kinh tế cũng như mâu thuẫn nội bộ. Việc thiếu nguồn tài chính khiến nhiều cơ quan ngoại giao phải đóng cửa, chương trình viện trợ bị cắt và mối quan hệ với châu Phi sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên trong khoảng 3 năm gần đây, Nga đã sử dụng mọi công cụ về ngoại giao, kinh tế, quân sự để khôi phục lại tầm ảnh hưởng tại châu Phi. Theo tạp chí Newsweek, chiến lược đó thể hiện qua các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỉ USD, bên cạnh nhiều khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực viễn thông, khai thác dầu khí và các chiến dịch quân sự công khai lẫn bí mật. “Người Nga muốn thâm nhập vào Cộng hòa Trung Phi để từ đó họ có bàn đạp gây ảnh hưởng đến Sudan ở phía bắc và Angola ở phía nam”, một quan chức an ninh cấp cao không nêu tên của LHQ tiết lộ. Cũng theo quan chức này, Cộng hòa Trung Phi đang để ngỏ khả năng hợp tác sau khi binh sĩ Mỹ rút đi, trong khi nước này không thích người Pháp vì từng đô hộ.
Từ đầu năm nay, Nga bắt đầu cung cấp nhiều vũ khí cho Cộng hòa Trung Phi, bên cạnh việc bảo vệ an ninh riêng cho Tổng thống Faustin-Archange Touadera, theo AFP. Hiện Nga đã điều 5 chuyên gia quân sự và 170 huấn luyện viên đến hỗ trợ quân đội Cộng hòa Trung Phi. Giới quan sát cho rằng những “huấn luyện viên” này thực chất là nhóm lính đánh thuê Wagner, được cho là cũng đang tham chiến tại Syria. Nghi vấn càng dấy lên khi mới đây 3 nhà báo Nga bị sát hại khi đang điều tra về lính đánh thuê tại Cộng hòa Trung Phi, dù Moscow khẳng định họ bị cướp giết hại.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang cung cấp vũ khí cho Cameroon chống lại các tay súng Boko Haram, cũng như tăng cường hợp tác về điện hạt nhân với Sudan và đẩy mạnh quan hệ quân sự với Cộng hòa Dân chủ Congo, Burkina Faso, Uganda và Angola. Tại Zimbabwe và Guinea, Nga tập trung hợp tác trong lĩnh vực khai thác mỏ nhằm cạnh tranh với làn sóng đầu tư từ các nước khác như Trung Quốc.
Mục tiêu quay lại châu Phi được giới chức cấp cao Nga đặc biệt quan tâm. Tổng thống Vladimir Putin mới đây tới Nam Phi dự hội nghị nhóm BRICS, đồng thời gặp gỡ đại diện Angola, Rwanda, Senegal và Uganda. Ngoại trưởng Sergei Lavrov trong năm nay cũng đã đến thăm 5 nước tại châu lục này. Chuyên gia Dmitry Bondarenko tại Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng châu Phi từng ở nhóm cuối trong danh sách ưu tiên về ngoại giao nhưng vị trí này đang được nâng lên với tốc độ chóng mặt. “Kể từ năm 2014 khi sáp nhập Crimea, Nga đối đầu với phương Tây và công khai thể hiện tham vọng trở thành một cường quốc như trước. Do đó, họ không thể bỏ qua châu Phi”, ông đánh giá, đồng thời nhận định mối quan tâm của Moscow mang tính chính trị hơn là kinh tế. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng sự quay lại của Nga sẽ làm thay đổi trật tự địa chính trị ở lục địa đen do sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga, châu Âu và Trung Quốc.
Thị trường hấp dẫn
Tờ All Africa hôm qua dẫn lời các chuyên gia nhận định châu Phi là nơi tốt nhất để đầu tư dù số vốn đổ vào trong thời gian qua vẫn còn giới hạn. Tổng vốn đầu tư liên doanh hằng năm chỉ đạt khoảng 500 triệu USD (11.625 tỉ đồng). Theo phân tích, châu lục này có lợi thế là đầu tư ít rủi ro. Bên cạnh đó, làn sóng thu hút hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trẻ tại châu Phi đang ngày càng mở rộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.