Sáng 9.8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức tặng hoa, chúc mừng GS Đàm Thanh Sơn nhân dịp ông được Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) trao Huy chương Dirac.
GS Đàm Thanh Sơn nhận thông tin mình được trao Huy chương Dirac năm 2018 trong lúc ông đang tham dự một hội nghị khoa học vật lý quốc tế do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức tại ICISE. Những ngày qua, ngoài dự hội nghị, ông còn tham gia giao lưu với các học sinh Việt Nam đạt giải Olympic quốc tế năm 2018, làm phiên dịch trong buổi nói chuyện khoa học đại chúng của GS Jerome Friendman (người Mỹ, đạt giải Nobel Vật lý năm 1990) tại Trường ĐH Quy Nhơn…
Sáng 9.8, ông đã tham gia họp bàn giải pháp phát triển 2 nhóm nghiên cứu vật lý tại Trung tâm ICISE, sau đó ra sân bay Phù Cát để trở về Hà Nội.
Học chuyên toán nhưng thích vật lý
GS Đàm Thanh Sơn (sinh năm 1969) là cựu học sinh khối chuyên toán - tin, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế năm 1984 tổ chức ở Praha (Cộng hòa Czech) khi mới 15 tuổi với số điểm tuyệt đối 42/42. Sau đó, ông sang Liên Xô học đại học ngành vật lý tai Trường Đại học Tổng hợp Moskva.
“Lúc đó, người ta cho tôi chọn ngành để học đại học, tôi chọn môn vật lý vì hồi còn bé tôi đã thích môn này hơn. Hồi nhỏ, tôi có đọc một số sách phổ biến khoa học như: Vật lý vui của của tác giả Yakov Perelman, Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản của tác giả Đặng Mộng Lân… Tôi thấy thuyết tương đối, cơ học lượng tử rất là hay nên tôi muốn tìm hiểu thêm về các môn này”, GS Đàm Thanh Sơn chia sẻ.
Theo GS Đàm Thanh Sơn, khi đi học, ông giỏi môn toán hơn vật lý. Sau này, do học chuyên vật lý nhiều hơn nên kỹ năng một giải bài toán của ông mai một dần. Năm 1984, khi thi Olympic Toán quốc tế đề có 6 bài toán thì ông đều làm được hết. Năm 2007, khi được mời về Việt Nam để chấm bài thi toán quốc tế, ông có ngồi làm 6 bài toán trong đề thì ông chỉ làm được 1 bài trong thời gian cho phép.
Tốt nghiệp đại học, Đàm Thanh Sơn tham gia nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva và ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại đây năm 25 tuổi. “Tôi may mắn có được người thầy rất giỏi hướng dẫn khi làm nghiên cứu sinh là GS Valery Rubakov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva. Ngay từ thời còn làm nghiên cứu sinh, thầy Valery Rubakov đã tìm ra một hiệu ứng hết sức nổi tiếng, được giới khoa học đánh gia cao. Đó là người mà tôi rất ngưỡng mộ”, GS Đàm Thanh Sơn chia sẻ.
Mở ra một ngành vật lý mới
Năm 1995, GS Đàm Thanh Sơn sang Mỹ, ông lần lượt nghiên cứu khoa học rồi giảng dạy tại Đại Học Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Đại học Chicago… Ông nghiên cứu về vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản, vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây.
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết GS Đàm Thanh Sơn được nhiều nhà khoa học đánh giá là người đầu tiên kết hợp được vật lý chất rắn với vật lý năng lượng cao, nhờ đó mở ra một ngành vật lý mới. “Tôi chắc chắn rằng, ngành vật lý mà GS Đàm Thanh Sơn mở ra sẽ hết sức quan trọng trong tương lai”, GS Trần Thanh Vân nói.
Theo GS Trần Thanh Vân, Huy chương Dirac không chỉ là vinh dự cho cá nhân GS Đàm Thanh Sơn mà còn là vinh dự cho cả nền khoa học Việt Nam. GS Đàm Thanh Sơn tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1993, khi đó mới làm tiến sĩ năm thứ 3. Sau đó, ông tham dự rất nhiều chương trình Gặp gỡ Việt Nam khác, thường xuyên tham gia dạy các lớp vật lý cho học sinh Việt Nam...
“Sự hợp tác của chúng tôi với anh Sơn đã trải qua một quá trình gắn bó lâu dài. Chúng tôi rất mong sẽ thuyết phục được anh Sơn về Việt Nam nhiều hơn nữa để có thể thành lập ở đây một viện nghiên cứu, tạo ra một sức mạnh nghiên cứu lớn, giúp miền Trung phát triển hơn nữa, thêm vào sự phát triển của Hà Nội và TP.HCM”, GS Trần Thanh Vân nói.
Bình luận (0)