Nga - Trung có hình thành liên minh quân sự?

26/11/2021 08:38 GMT+7

Việc Nga và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn, trong bối cảnh cả hai đều đứng trước nhiều sức ép của phương Tây, dấy lên câu hỏi liệu hai nước này có hình thành liên minh quân sự?

Tờ South China Morning Post vừa đăng bài “China and Russia move closer to de facto military alliance amid US pressure” (tạm dịch “Giữa áp lực của Mỹ, Trung Quốc và Nga tiến gần hơn đến một liên minh quân sự trên thực tế”).

Các tàu chiến của Nga và Trung Quốc tuần tra chung hồi tháng 10.2021

Chinamil.com.cn

Bước tiến mới cho quan hệ Nga - Trung

Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc là ông Ngụy Phượng Hòa vừa có cuộc hội đàm trực tuyến vào ngày 23.11. Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh cả Nga lẫn Trung Quốc đều liên tục lên tiếng chỉ trích Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự nhằm vào Moscow, Bắc Kinh.

Sau cuộc hội đàm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát đi thông báo cho biết Bắc Kinh và Moscow sẽ “tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược giữa quân đội hai nước, tiếp tục tăng cường hợp tác trong các cuộc tập trận chiến lược, tuần tra chung và các lĩnh vực khác, đồng thời tiếp tục có những đóng góp mới để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Nga và duy trì an ninh và ổn định quốc tế và khu vực”.

Theo tờ South China Morning Post, cuộc hội đàm đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác quân sự. Điển hình, hai bên đã ký kết lộ trình hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, hai bên đồng ý mở rộng hợp tác thông qua các cuộc tập trận chiến lược và tuần tra chung ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.

Tuần trước, hai nước đã tổ chức cuộc tuần tra chung không quân với sự tham gia của các máy bay ném bom tại vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông khiến Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều phản ứng mạnh mẽ. Đó là cuộc tuần tra không quân chung lần thứ 3 giữa Nga và Trung Quốc. Hồi tháng trước, 5 tàu chiến của Nga và 5 tàu chiến của Trung Quốc cũng thực hiện cuộc tuần tra chung đi qua eo biển Tsugaru gần Nhật Bản.

Lược đồ 2 tuyến hàng hải nối châu Á với châu Âu

The Guardian

Viễn cảnh đáng lo cho phương Tây

Thực tế, trong bối cảnh đều có nhiều bất đồng sâu sắc với Mỹ - rộng hơn là phương Tây, viễn cảnh Bắc Kinh và Moscow bắt tay trở thành liên minh quân sự đã được đề cập.

Cuối năm ngoái, truyền thông Anh dẫn lời đô đốc Tony Radakin, Tư lệnh Hải quân nước này, phân tích biến đổi khí hậu “đã mở ra các tuyến hàng hải mới trên khắp thế giới, giảm một nửa thời gian di chuyển bằng đường biển giữa châu Á và châu Âu”. Cụ thể, biến đổi khí hậu khiến cho tuyến hàng hải chạy theo vùng biển ngoài khơi nước Nga, xuyên qua Bắc Băng Dương đến châu Âu có thể dễ dàng đi lại suốt nhiều tháng trong năm mà không cần tàu phá băng. Tháng 1.2018, Trung Quốc đã đưa ra chương trình “Thúc đẩy con đường tơ lụa vùng Bắc Cực” và tự tuyên bố là “quốc gia cận Bắc Cực”. Bắc Kinh cũng tỏ rõ ý định triển khai tàu và xây dựng hạ tầng nghiên cứu ở Iceland và Na Uy.

Bắc Kinh ra tuyên bố mạnh với Washington về Đài Loan

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua (25.11), phát ngôn viên Ngô Khiêm của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố có được mối quan hệ ổn định là điều tốt cho cả Bắc Kinh và Washington, theo Reuters. Ông Ngô còn khẳng định Trung Quốc sẵn sàng duy trì việc trao đổi và hợp tác với Mỹ.

Mặt khác, ông cáo buộc phía Mỹ trong thời gian qua “có nhiều điều vô trách nhiệm và làm nhiều việc khiêu khích” về Đài Loan và Biển Đông. Ông Ngô còn nói rằng Trung Quốc có nguyên tắc cho việc phát triển mối quan hệ quân sự với Mỹ là những lợi ích cốt lõi không thể bị vi phạm.

Văn Khoa

Từ đó, Tư lệnh Hải quân Anh đặt ra rủi ro Trung Quốc với lực lượng tàu chiến ngày càng hùng hậu có thể dễ dàng tiếp cận châu Âu bằng nhiều hướng. Tuyến hàng hải phía bắc, vượt qua Bắc Băng Dương, rút ngắn thời gian từ 10 - 12 ngày so với tuyến hàng hải phía nam truyền thống (từ Trung Quốc đi đến Biển Đông, lần lượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương rồi đến châu Âu).

Không những vậy, truyền thông Anh dẫn lời ông Chris Parry, chuẩn đô đốc hải quân nước này đã về hưu, lo ngại: “Tuyến đường biển phương Bắc là một thành phần chính trong Sáng kiến Một vành đai - Một con đường mà Trung Quốc theo đuổi để thống trị thương mại khu vực Á - Âu. Điều đó đặt ra rủi ro Trung Quốc hợp tác với Nga để tìm cách loại những nước khác ra khỏi tuyến hàng hải này”.

Nguy cơ bị phóng đại ?

Trả lời Thanh Niên ngày 25.11, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) phân tích: “Suốt nhiều năm qua, Nga và Trung Quốc xem nhau là đối tác an ninh quan trọng. Thỏa thuận vừa được ký kết sẽ làm cho mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh gần gũi hơn. Điều này có nghĩa là hai nước sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận quân sự cùng nhau và có thể mở rộng chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động quân sự của Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Heath cho rằng: “Tầm quan trọng của thỏa thuận trên không nên được phóng đại quá mức. Hai nước khó đi đến liên minh. Chẳng hạn, các lực lượng quân sự của Nga không có nghĩa vụ phải hỗ trợ trực tiếp cho Trung Quốc đại lục trong một cuộc chiến với Mỹ về Đài Loan, cũng như Bắc Kinh không có nghĩa vụ cử lực lượng hỗ trợ một cuộc xung đột giữa Nga với NATO. Trung Quốc và Nga là hai đối tác an ninh thân thiết, có chung các bất đồng với Mỹ, nhưng Bắc Kinh và Moscow cũng khó tin tưởng lẫn nhau”.

Oanh tạc cơ chiến lược Nga - Trung Quốc tuần tra chung tại châu Á - Thái Bình Dương

Một trong những lý do để Trung Quốc và Nga khó tin tưởng lẫn nhau khi cả hai đều muốn khai thác nguồn lợi từ Bắc Băng Dương, đồng thời việc Bắc Kinh đang mở rộng tham vọng hải quân sang châu Âu trở thành một thách thức lâu dài cho Moscow. Như TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá thì Mỹ cùng đồng minh sẽ gặp “ác mộng” nếu Nga và Trung Quốc bắt tay, nhưng thực tế mối quan hệ này không dễ dàng gắn kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.