(TNO) Các nước phương Tây phê phán việc Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án tình trạng bạo lực tại Syria trong hôm 4.2.
Mỹ nói phiếu phủ quyết là “ô nhục” trong khi Anh tuyên bố hành động này đẩy người Syria vào đường cùng.
Pháp cũng lên án việc nghị quyết bị ngăn cản tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA), theo BBC.
Nga và Trung Quốc (hai thành viên thường trực của HĐBA) khẳng định dự thảo nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu là không công bằng.
Nghị quyết bị bác chỉ vài giờ sau khi các nhà hoạt động tố cáo binh lính Chính phủ Syria đã giết hại ít nhất 55 người tại thành phố Homs.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một thông báo rằng ông Assad “không có quyền lãnh đạo Syria và đã mất đi mọi tính hợp pháp với người dân và cộng đồng quốc tế”. Tổng thống Mỹ gọi đây là “cuộc tấn công ghê tởm chống lại người dân ở Homs”.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé nói: “Cuộc thảm sát tại Homs là tội ác chống nhân loại và những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải trả lời về nó”.
|
Các cuộc biểu tình phản đối cuộc tấn công chết chóc cũng diễn ra tại các tòa đại sứ Syria trên thế giới, bao gồm tại Ai Cập, Đức, Hy Lạp và Kuwait trong khi Tunisia đã trục xuất đại sứ Syria.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Sudan Rice tuyên bố các lá phiếu phủ quyết cho thấy cách Nga và Trung Quốc “phản bội người Syria và che chở cho một tên bạo chúa hèn nhát”, theo BBC.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói cách tiếp cận của Moscow và Bắc Kinh “chỉ khuyến khích chế độ bạo tàn của Tổng thống (Bashar) Assad gia tăng giết chóc”.
Tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói trong một tuyên bố rằng ông “cực lực lên án” việc phủ quyết.
Ông Mohammed Loulichki, Đại sứ Ma Rốc tại LHQ và là thành viên Ả Rập duy nhất trong HĐBA hiện thời, bày tỏ “sự thất vọng và tiếc nuối sâu sắc” khi Moscow và Bắc Kinh ngăn chặn nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập được 13 thành viên của HĐBA ủng hộ đã ghi nhận lời kêu gọi thực hiện quá trình chuyển giao dân chủ tại Syria.
Tuy nhiên, Nga nói nó chỉ nhắm đến chính phủ của ông Assad và không chứa đựng các biện pháp chống lại những nhóm đối lập vũ trang.
“Không may, một số thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế đã làm xói mòn cơ hội dàn xếp chính trị, kêu gọi thay đổi chế độ, đưa phe đối lập lên nắm quyền”, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin phát biểu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ đến Damascus vào ngày 7.2 để hội đàm với ông Assad.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông nói nghị quyết sẽ phản tác dụng.
“Trung Quốc khẳng định rằng trong tình hình hiện nay, việc gây áp lực thái quá lên Chính phủ Syria hoặc áp đặt bất kỳ giải pháp nào sẽ không giúp giải quyết vấn đề Syria”, ông Lý nói.
Sơn Duân
>> Thảm sát ở Syria, 260 người chết
>> Ngày đẫm máu tại Syria
>> LHQ bàn về nghị quyết cho Syria
>> Khả năng lưu vong của Tổng thống Syria
>> Nguy cơ chiến tranh Trung Đông
>> Tướng Syria âm mưu đảo chính?
>> Nga bán 36 chiến đấu cơ cho Syria
>> Mỹ cân nhắc đóng cửa sứ quán tại Syria
>> Một năm “Mùa xuân Ảrập”
>> Phóng viên người Pháp thiệt mạng tại Syria
>> Quan sát viên rời Syria trong sự phẫn nộ
Bình luận (0)