Xe tăng Trung Quốc trong cuộc tập trận chung với Nga năm 2018 |
AFP |
Đó là cảnh báo của lục quân Mỹ trong nghiên cứu được công bố gần đây mang tên “Môi trường hoạt động (2021 - 2030): Cạnh tranh, Khủng hoảng và Xung đột giữa các cường quốc”.
Nghiên cứu vẽ ra 4 viễn cảnh mà quân đội Mỹ có khả năng sẽ đối diện, trong đó tác động từ đại dịch Covid-19 được mô tả nổi bật. Theo đó, tác động từ đại dịch đối với Mỹ và hai đối thủ chính là Nga và Trung Quốc là tương đối cân bằng nhưng đầu tư công vào lĩnh vực công nghệ và chi tiêu quốc phòng của hai nước kia sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với Mỹ.
Lợi thế tương đối
Bốn viễn cảnh hậu Covid-19 được phân chia từ mức ảnh hưởng bất lợi cho Mỹ, giữ nguyên trạng thái như trước đại dịch cho đến ảnh hưởng có lợi cho Mỹ.
Trong viễn cảnh được đánh giá nhiều khả năng xảy ra nhất, đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra lợi thế tương đối cho Nga và Trung Quốc so với Mỹ, nhưng không đến mức làm thay đổi cán cân chiến lược. Trong viễn cảnh này, Mỹ và các đồng minh phương Tây xử lý kém hơn trước sức ép và những cú sốc từ đại dịch so với các hệ thống tập trung hóa của Trung Quốc và Nga.
3 viễn cảnh còn lại
Trong viễn cảnh nguy hiểm nhất cho Mỹ, các đối thủ của nước này sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch trong khi Mỹ bị suy sụp. Trong tình huống này, chương trình hiện đại hóa của các đối thủ sẽ tăng tốc nhanh, đặt ra thách thức trực tiếp cho Mỹ trong vài năm tới. Trong viễn cảnh tốt nhất nhưng cũng ít khả năng xảy ra nhất, năng lực đổi mới của Mỹ sẽ giúp nước này phục hồi nhanh, còn các đối thủ gặp khó khăn. Điều này giúp Mỹ vượt trội so với đối thủ trên khắp các lĩnh vực ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế. Trong viễn cảnh còn lại, tình hình thế giới sẽ tiếp diễn như thời kỳ tiền Covid-19 và ít thay đổi lớn. Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục phát triển năng lực theo đà ổn định đến thời điểm có thể cạnh tranh ngang bằng vào năm 2030.
Theo nghiên cứu, các đối thủ của Mỹ sẽ tập trung tốt hơn vào sự sẵn sàng và hiện đại hóa quân đội nhờ ưu tiên cho quốc phòng và an ninh thay vì phục hồi, tái xây dựng nền kinh tế như phương Tây. Theo Forbes, đánh giá này tương tự như mô hình “súng hoặc bơ” trong thời Thế chiến 2 và Chiến tranh lạnh. Theo đó, các nước lựa chọn ưu tiên giữa chi tiêu quân sự hoặc nhu cầu tiêu dùng.
Kết quả là những nỗ lực hiện đại hóa quân sự đó sẽ vượt nhanh hơn so với Mỹ và trong một vài trường hợp sẽ nới rộng khoảng cách đã được phát triển trong giai đoạn tiền Covid-19. Lục quân Mỹ dự báo một số năng lực tiên tiến hơn của các nước đối thủ có thể sẽ được đưa vào sử dụng sớm hơn so với Mỹ, hoặc ít ra là đúng thời hạn, trong khi Mỹ có thể bị trễ hạn.
Binh sĩ Nga trong cuộc tập trận chung với Trung Quốc tại khu tự trị Ninh Hạ hồi tháng 8 |
Quân đội Trung Quốc |
Nga, Trung Quốc vượt mặt Mỹ ?
Sau khi Mỹ dành 20 năm qua để chiến đấu chống phiến quân tại Afghanistan và Iraq, nước này bị cho là đã lơ là trong việc phát triển năng lực để chiến đấu với các cường quốc công nghệ cao. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang chuyển mình, từ ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Ngoài việc nâng cấp các hệ thống vũ khí, Nga và Trung Quốc còn ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật chiến tranh bất đối xứng để vô hiệu hóa kẻ thù mà không cần nổ súng.
Thêm hình ảnh khói lửa sôi động từ tập trận Zapad-2021 |
Theo viễn cảnh nhiều khả năng nhất mà nghiên cứu đặt ra, đại dịch Covid-19 sẽ chỉ làm đẩy mạnh thêm quá trình này, khi Moscow và Bắc Kinh đang cải thiện quân đội trong khi Washington bị tụt lại phía sau. Nghiên cứu cảnh báo các đối thủ có thể vượt trội Mỹ ở một số lĩnh vực chủ chốt vào năm 2023, nếu việc phát triển của Mỹ bị trì hoãn hoặc bị hủy. Hơn nữa, các đối thủ sẽ nắm bắt được những “lợi thế tương đối và thoáng qua” này để biến chúng trở nên rõ ràng hơn.
Bình luận (0)