Nga và Ấn Độ chạy đua đổ bộ xuống cực nam mặt trăng

08/08/2023 15:06 GMT+7

Với mục tiêu thám hiểm cực nam mặt trăng, Nga đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho vụ phóng ngày 11.8, trong khi tàu đổ bộ của Ấn Độ dự kiến sẽ đáp xuống nơi này vào ngày 23.8.

Nga và Ấn Độ chạy đua đổ bộ xuống cực nam mặt trăng - Ảnh 1.

Tên lửa đẩy Soyuz mang theo tàu Luna-25 đã sẵn sàng trên bệ phóng ở sân bay vũ trụ Vostochny

AFP

Cực nam mặt trăng được cho là nơi nhiều khả năng chứa nguồn nước dồi dào, đóng vai trò then chốt cho sự hiện diện của con người trên bề mặt mặt trăng trong tương lai.

Ngày 11.8, Nga sẽ phóng tàu đổ bộ mặt trăng đầu tiên kể từ năm 1976, mà theo Reuters dẫn các nguồn thạo tin là trong nỗ lực chạy đua với Ấn Độ đến cực nam mặt trăng.

Vì sao cuộc đua lên mặt trăng ngày càng gay cấn?

Tàu Luna-25, phương tiện đổ bộ mặt trăng đầu tiên của Nga trong gần 5 thập niên, dự kiến sẽ rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moscow khoảng 5.550 km về hướng đông. Vụ phóng được tiến hành sau gần 2 năm trì hoãn, với kế hoạch ban đầu là vào tháng 10.2021.

Ngược lại, sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã phóng thành công vào ngày 14.7 và trên đường đáp xuống cực nam mặt trăng vào ngày 23.8.

Nga và Ấn Độ chạy đua đổ bộ xuống cực nam mặt trăng - Ảnh 2.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã phóng thành công vào ngày 14.7

REUTERS

Kế hoạch của Nga giờ đây làm dấy lên đồn đoán về khả năng liệu nước này có thể đánh bại Ấn Độ để trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu đổ bộ xuống khu vực có vai trò chiến lược cho sự hiện diện của con người ở mặt trăng trong tương lai hay không.

Trả lời Reuters, Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) cho biết tàu Luna-25 sẽ đến mặt trăng trong vòng 5 ngày, trước khi hạ độ cao và đáp xuống một trong những vị trí đổ bộ dự kiến.

Khung thời gian trên cho thấy sứ mệnh của Nga có lẽ sẽ bắt kịp hoặc thậm chí đến nơi sớm hơn tàu Chandrayaan-3.

Tuy nhiên, cả hai sứ mệnh đều không can thiệp lẫn nhau vì Nga và Ấn Độ chọn điểm đáp khác nhau.

Roscosmos thậm chí còn nói rằng "có đủ không gian" trên mặt trăng cho cả hai sứ mệnh, và không có nguy cơ va chạm giữa hai tàu vũ trụ.

Bên cạnh đó, sứ mệnh Luna-25 có thời hạn hoạt động lên đến 1 năm trên bề mặt mặt trăng, thực hiện nhiều dạng thí nghiệm và quan sát.

Trong khi đó, sứ mệnh Chandrayaan-3 sẽ hoàn tất trong vòng 2 tuần.

Việc tàu Chandrayaan-3 thành công tiến vào quỹ đạo mặt trăng cũng đánh dấu thành tựu to lớn cho Cơ quan Không gian Ấn Độ (ISRO), sau nỗ lực 4 năm trước nhưng thất bại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.