Theo truyền thông Nga, các kỹ sư và chuyên gia nước này đang bước vào giai đoạn hoàn tất chế tạo bản mẫu thử nghiệm một loại ngư lôi mới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tốc độ cao để dành cho hải quân. Có tên gọi là Khishchnik (Kẻ săn mồi), đây là phiên bản nâng cấp của ngư lôi nổi tiếng Shkval.
Hiện chưa có nhiều thông tin về Khishchnik được công bố, vì đây là dự án tuyệt mật, ngoại trừ ngư lôi mới là sản phẩm của Tập đoàn thiết kế Elektropribor, vốn lâu nay nổi tiếng hơn về công nghệ hàng không và tên lửa. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn sai lầm của Bộ Quốc phòng Nga.
Một số quan chức cấp cao giấu tên tiết lộ ngư lôi Khishchnik sẽ di chuyển dưới nước với “tốc độ của một tên lửa” nhờ hệ thống động cơ có nhiều điểm chung với những thiết bị trên không. Báo mạng Russia Beyond the Headlines (RBTH) dẫn nguồn tin từ Elektropribor và Bộ Quốc phòng Nga bày tỏ kỳ vọng Khishchnik sẽ là “sát thủ số 1” đối với tàu ngầm lẫn tàu sân bay đối phương, khi vũ khí này kế thừa mọi thế mạnh cũng như khắc phục điểm yếu của ngư lôi Shkval.
Ra đời vào năm 1977, đến nay, Shkval vẫn là ngư lôi lợi hại nhất của hải quân Nga và được giới chuyên gia xếp vào hàng vô đối dưới mặt nước. Ngư lôi thông thường có tốc độ không vượt quá 140 km/giờ nên tàu ngầm mục tiêu vẫn còn đủ thời gian để né tránh nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, Shkval không cho đối phương cơ hội thoát thân nào vì đạt tới tốc độ trên 370 km/giờ dưới nước, hơn 2,5 lần so với các loại ngư lôi khác.
Bí mật về vận tốc của Shkval nằm ở động cơ đặc biệt chạy bằng nhiên liệu rắn. Trong khi ngư lôi thông thường tăng tốc nhờ vào sự hỗ trợ của cánh quạt quay thì Shkval ứng dụng công nghệ siêu khoang.
Đây là loại thiết kế động cơ giúp chuyển động trong một bong bóng khí khổng lồ, làm giảm đáng kể lực ma sát và cho phép di chuyển với tốc độ cực cao. Với đặc tính này, nhiều chuyên gia quân sự đã gọi Shkval là tên lửa dưới nước.
tin liên quan
Tàu ngầm 'biến hình' của NgaNga đang chế tạo một loại robot hoạt động dưới nước có thể mô phỏng được tính năng của tàu ngầm hạt nhân lẫn tàu ngầm thông thường.
Mặt khác, theo RBTH, Shkval có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá 150 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn chất nổ TNT) nên thừa sức thổi bay tàu ngầm lẫn tàu sân bay của đối phương. Ngoài đầu đạn hạt nhân, ngư lôi này còn có thể mang cả đầu đạn thường nặng 210 kg. Chính vì thế, Shkval được đánh giá vượt trội hơn đối thủ cùng thời kỳ do Mỹ sản xuất là ngư lôi Mark 45 và đến giờ vẫn đủ khả năng kèn cựa sát sao với đời sau của Mark 45 là Mark 48.
Nhờ những ưu điểm này, Shkval trở thành một loại vũ khí chủ lực của hầu hết tàu ngầm hạt nhân thời Liên Xô và Nga về sau, với chức năng tấn công lẫn đánh chặn trong trường hợp hứng đòn tấn công từ tàu ngầm đối phương.
Tuy nhiên, RBTH dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định Shkval vẫn có một số nhược điểm do được phát triển từ gần 4 thập niên trước, như tầm bắn tương đối ngắn và độ sâu hoạt động bị hạn chế khi chỉ ở mức 30 m. Điều này khiến tàu ngầm mang ngư lôi có nguy cơ làm mồi cho các loại tàu ngầm và tàu chiến nổi có hệ thống radar tân tiến. Ngoài ra, một ngư lôi phóng đi tốc độ cao thường tạo ra tiếng ồn khiến dễ bị phát hiện hơn.
Cuối cùng, Shkval chỉ được trang bị thiết bị dẫn đường hoạt động vào giai đoạn cuối trước khi chạm mục tiêu và phát nổ. Theo các nguồn tin, tất cả những điểm yếu này sẽ không tồn tại với phiên bản mới Khishchnik. Hệ thống động cơ tương tự tên lửa giúp ngư lôi tăng cường tầm hoạt động xa hơn và êm hơn hẳn “đàn anh”. Công nghệ dẫn đường thông minh cũng được “mượn” của tên lửa để ngư lôi có thể duy trì hành trình chính xác ngay từ thời điểm rời ống phóng và thậm chí có khả năng tự truy đuổi mục tiêu...
Từ năm 1992, Nga đã phát triển phiên bản ngư lôi Shkval dành cho xuất khẩu. Theo RBTH, sản phẩm xuất khẩu có phần kém hơn so với phiên bản gốc xét về tốc độ và tầm bắn, song vẫn vượt trội hơn các ngư lôi tương tự của nước khác. Phiên bản VA-111 Shkval mà hải quân Nga đang sử dụng có tốc độ đạt trên 370 km/giờ dưới nước và tầm bắn khoảng 11 - 15 km. Các thông số này ở phiên bản xuất khẩu Shkval-E được cho là vào khoảng 360 km/giờ và 7 - 10 km.
|
tin liên quan
Siêu vũ khí dưới nước của NgaGiới chức Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây xác nhận Nga sở hữu một phương tiện không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Bình luận (0)