Nga xốc lại đội hình tại Ukraine

Bảo Vinh
Bảo Vinh
12/03/2022 06:20 GMT+7

Chiến sự tại Ukraine đang kéo dài khiến cả hai bên tổn thất và xuất hiện một vài dấu hiệu về khả năng thương thảo.

Nga tái bố trí lực lượng

Rạng sáng 11.3 (giờ Ukraine), một loạt thành phố lớn tại Ukraine từ Lviv, Lutsk, Ivano-Frankivsk ở miền tây cho đến Dnipro ở miền trung được cho là đã bị tấn công dữ dội. Chính quyền Kharkiv thông báo bị oanh tạc không ngừng nghỉ, theo Reuters. Nga chưa bình luận gì về những thông tin này. Mặt khác, quân đội Ukraine cảnh báo Nga đang tìm cách phong tỏa thủ đô Kyiv và đang bao vây ít nhất 4 thành phố lớn. Ảnh vệ tinh mới nhất của Hãng Maxar (Mỹ) cho thấy đoàn xe quân sự dài của Nga ở tây bắc Kyiv đã phân tán và được bố trí lại vào rừng hoặc các hàng cây.

Xe thiết giáp của lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donetsk ngày 10.3

Reuters

Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) đánh giá khả năng ngày càng tăng cao là lực lượng Ukraine có thể chiến đấu đến mức làm bế tắc nỗ lực của Nga nhằm vào Kyiv. Bộ Quốc phòng Anh ngày 11.3 cũng đánh giá lực lượng trên bộ của Nga vẫn chỉ đạt bước tiến hạn chế, trong bối cảnh vấn đề hậu cần gây níu chân thêm. Tuy nhiên, Nga có thể đang tìm cách xốc lại lực lượng cho một đợt hành động mới trong vài ngày tới.

Phát ngôn viên quân đội Pháp Pascal Ianni nói Nga đang gặp khó khăn hậu cần và tình báo do thiếu chuẩn bị. Ông nhận định chiến dịch nhắm vào Kyiv có thể xảy ra trong vài ngày nữa nhưng để kiểm soát thực sự là một vấn đề khác và tốn thời gian. Ngoài ra, ông Ianni nói mùa xuân đến sớm khiến băng tan trên mặt đất làm phương tiện Nga khó di chuyển, theo Đài France2.

Xem nhanh: Diễn tiến ngày thứ 16 chiến sự Nga-Ukraine có gì?

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp hội đồng an ninh hôm qua cho biết ủng hộ kế hoạch đưa tình nguyện viên nước ngoài tham chiến tại Ukraine và chuyển giao vũ khí chiếm được cho lực lượng ở Donbass. Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết khoảng 16.000 tình nguyện viên, đa số là từ Trung Đông, muốn hỗ trợ lực lượng thân Nga ở Donbass.

Trong khi chiến sự tiếp diễn, công tác sơ tán dân thường hôm qua tiếp tục được thực hiện tại nhiều thành phố dù hai bên chỉ trích nhau gây cản trở quá trình này. Cơ quan di trú của LHQ cùng ngày thông báo hơn 2,5 triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine tính đến ngày 11.3.

Có dấu hiệu mới

Trong bối cảnh chiến sự tiếp tục gây thiệt hại, cả hai bên đều đã cho thấy những tín hiệu để thương thảo. Đối với Ukraine, nước này sẵn sàng xem xét lại tình trạng trung lập khi NATO chưa muốn kết nạp. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là Ukraine phải có sự đảm bảo an ninh từ các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và các nước láng giềng.

Đàm phán với Nga không đạt tiến triển, ngoại trưởng Ukraine nói sẽ không đầu hàng

Ukraine tồn tại trong một khoảng trống an ninh và chúng tôi phải suy nghĩ sáng tạo về cách giải quyết vấn đề này”, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói sau cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 10.3, theo CNN. Phía Ukraine vẫn nhấn mạnh mong muốn một cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước vì cho rằng chỉ có Tổng thống Putin mới là người ra quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga cũng để ngỏ cánh cửa đối thoại khi tuyên bố cuộc gặp chỉ diễn ra nếu mang lại kết quả rõ ràng và cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Những ngày qua, Moscow cũng dịu giọng khi tuyên bố có thể ngừng bắn ngay lập tức nếu Kyiv chấp nhận các yêu cầu và nhấn mạnh không tìm cách lật đổ chính quyền Kyiv.

Trong cuộc hội đàm cùng lãnh đạo Belarus hôm qua, Tổng thống Putin cho biết các nhà đàm phán đã báo cáo với ông một số “chuyển biến tích cực” trong việc đối thoại với Ukraine. Ông Putin không nêu chi tiết nhưng cho hay việc đối thoại đang được thực hiện mỗi ngày.

Theo Reuters, các nhà phân tích cho rằng con đường đàm phán phía trước còn rất khó khăn nhưng việc tiến độ trên chiến địa chậm hơn dự kiến và những ảnh hưởng từ lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây có thể mở ra cơ hội thỏa hiệp.

Tổ chức thêm 10 chuyến bay sơ tán người Việt từ Ukraine về nước

Hôm qua (11.3), Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã có văn bản giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức các chuyến bay đón người Việt và thành viên gia đình từ Ukraine về nước do Tập đoàn Sun Group và các doanh nghiệp khác tài trợ, công khai, minh bạch, đúng quy định.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, cơ quan chức năng đang phối hợp với Vietnam Airlines chuẩn bị tổ chức thêm 2 chuyến bay cứu trợ đưa hơn 500 công dân Việt Nam từ Ukraine sơ tán sang Ba Lan và Romania về nước vào ngày 12 - 13.3. Cụ thể, chuyến bay số hiệu VN58 dự kiến chở 283 công dân từ Warsaw (Ba Lan) và chuyến bay số hiệu VN68 dự kiến chở 276 công dân từ Bucharest (Romania) hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng 13.3.

Cả 2 chuyến bay này do Tập đoàn Sun Group tài trợ Hãng hàng không Vietnam Airlines. Dự kiến sẽ có tổng cộng 10 chuyến bay được tập đoàn này tài trợ để đưa công dân Việt Nam và gia đình từ Ukraine về nước theo sự đồng ý của Chính phủ trong thời gian tới. Trước đó, trong các ngày 7 - 10.3, Chính phủ cũng đã tổ chức 2 chuyến bay cứu trợ miễn phí đưa hơn 500 công dân Việt Nam và gia đình từ Ukraine sơ tán sang các nước lân cận về nước.

Cũng theo Bộ Ngoại giao, đến 16 giờ ngày 11.3, các cơ quan đại diện đã đón hơn 4.500 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận. Hiện các cơ quan đại diện phối hợp với nhà chức trách địa phương và các hội đoàn người Việt sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn ở tạm thời và các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con; khẩn trương tiếp nhận hồ sơ, xử lý các vướng mắc về giấy tờ để bà con nhanh chóng hoàn thành thủ tục hồi hương trên các chuyến bay tiếp theo. Các cơ quan đại diện tại Ba Lan và Romania tiếp tục nhận danh sách đăng ký của công dân có nguyện vọng về nước.

Chí Hiếu - Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.