Ngạc nhiên về sự lịch sự của người Pháp

27/07/2017 21:02 GMT+7

Tôi sang Pháp 14 năm trước đây. Lúc đó, tôi biết mình là một cô gái Việt Nam không đến nỗi tệ về cách cư xử, thế nhưng khi sinh sống tại đây, sự lịch sự của người Pháp làm tôi vô cùng ngạc nhiên.

Bà Julia Child (đầu bếp nổi tiếng người Mỹ ) đã từng nói thế này về người Pháp "Sự ngọt ngào, rộng rãi, sự lịch sự, nhẹ nhàng và lòng nhân từ của người Pháp cho tôi thấy cuộc đời có thể đáng yêu đến chừng nào nếu như mỗi người bỏ chút thời gian để thân thiện hơn".
Chuyện người Pháp ga lăng, lịch sự dường như ai cũng đã từng nghe, nhưng thực sự họ lịch sự đến mức nào có lẽ không phải ai cũng biết. Tôi cá là bạn sẽ ngạc nhiên như tôi khi đến sinh sống ở Pháp.
Tôi sang Pháp 14 năm trước đây. Lúc đó, tôi biết mình là một cô gái Việt Nam không đến nỗi tệ về cách cư xử lịch sự. Tôi luôn có thói quen nói xin lỗi, cảm ơn bất cứ lúc nào cần nói, tôi luôn chú ý không gây phiền cho người khác, đặc biệt là nơi công cộng. Thế nhưng khi đến Pháp và sinh sống tại đây, sự lịch sự của người Pháp làm tôi vô cùng ngạc nhiên.
Lần đầu tiên lên xe buýt sau khi đến Phap, điều làm tôi vô cùng kinh ngạc không hề là sự tiện nghi, sạch sẽ của xe, mà là … lời chào. Mỗi hành khách khi lên xe đều cất lời chào anh lái xe, và người này cũng vui vẻ chào lại. Bonjour – từ "chào" tiếng Pháp ghép giữa hai từ bon (tốt đẹp), và jour (ngày), như thế dường như mỗi lời chào đã là một câu chúc tụng rồi.
Nhập gia tùy tục, tôi cũng vui vẻ bonjour anh lái xe, và cảm thấy cảm giác đầu tiên của mình khi tới Pháp không phải là tệ. Một sự ngạc nhiên thú vị bao trùm, và tôi thấy mình có thật nhiều thứ để khám phá ở đất nước này.
Sau đó, quả thực sự ngạc nhiên trong tôi ngày càng tăng khi nhận ra những thói quen lịch sự khác của người Pháp. Sau khi ngạc nhiên vì lời chào của mọi người tới anh lái xe buýt, tôi phát hiện rằng người Pháp họ chào liên tục, và không hề gì, họ không ngại chào cả những người … không quen biết.
Ví dụ như, bạn đứng ở bến chờ tàu, xe, một người khác tới đừng chờ cùng bạn. Không phải để bắt chuyện hay hỏi chuyện gì, người ta cũng … chào. Bạn đi vào cửa hàng bánh mì, mở cửa ra thấy nhiều người đang xếp hàng, bạn chẳng biết họ là ai, nhưng theo phép lịch sự, bạn sẽ cất lời chào … tất cả mọi người.
Không ai trố mắt ra nhìn bạn như kẻ kì quái, mà họ sẽ chào lại bạn một cách lịch sự.
Việc chào hỏi này có thể diễn ra khi bạn sống trong một khu phố và gặp những người có-vẻ-như –sống-cùng-khu-phố-đó. Bạn không biết họ là ai, sống ở căn hộ nào, nhưng nhìn có vẻ quen quen. Và khi họ cất tiếng chào, thì theo phép lịch sự, bạn cũng vui vẻ chào lại. Khu phố nhỏ tôi ở, khi ra ngoài vào sáng thứ 7, chủ nhật, hay khi ra chợ (ngoài trời) gần đó, thì chào có khi mỏi cả mồm.
Ở đất nước xinh đẹp này, bạn cần sống lâu để yêu mến nó. Có thể những bãi … phân chó ngoài đường làm bạn khó chịu, nhưng sự thân thiện của người Pháp có thể làm bạn kinh ngạc.
Đó là thói quen giữ cửa cho người đi sau, vì không muốn cửa sập trước mắt người này. Đó là thói quen chờ những người trên tàu, metro, bus xuống hết rồi mới bắt đầu lên, để tránh tình trạng chen lấn người chui ra, người chui vào. Cô cháu gái tôi khi lần đầu đi metro Paris không chú ý đã chen ngay lên khi mấy người xuống chưa ra hết khỏi tàu. Tôi chưa kịp nhắc thì một bà già Pháp đã nhẹ nhàng nhắc nhở. Ở đây, cũng như lời chào, người ta cảm ơn và chúc tụng nhau … cả ngày.
Thanh toán tiền siêu thị xong, cảm ơn cô thu ngân, chúc cô ngày tốt lành. Mua chiếc tem xong, cảm ơn ông nhân viên bưu điện và cũng chúc ông ngày tốt lành. Trước khi chia tay, người ta cũng chúc nhau ngày tốt lành, cuối tuần tốt lành.
Có những thói quen lịch sự của người Pháp sinh ra từ ý thức tạo thuận tiện cho tất cả mọi người. Ví dụ như khi đi lên thang cuốn, mọi người đều có ý thức chỉ đứng bên phía tay phải, vì bên tay trái dành cho những người muốn đi nhanh hơn và chạy vượt lên.
Nhiều người Việt Nam không biết cứ đứng một mình bên tay trái, và … chặn cả dòng người hối hả muốn đi nhanh, làm họ liên tục xin lỗi xin được nhường đường. Ở Pháp, khi đường hẹp hoặc khi hai người đi đối diện nhau mà chỉ 1 người qua được, thì sẽ dẫn đến chuyện cả hai bên dừng lại nhường đường, và sau vài lần mời ông, mời bà, thì mới có một người vượt lên và đồng thời cảm ơn người bên kia. Hiếm có chuyện cả hai xông lên chen chúc trong khó chịu, cáu kỉnh.
Ngoài ra, những cử chỉ thân thiện trong đời sống cũng rất phổ biến. Có lần tôi mua khá nhiều đồ và đang loay hoay xếp vào chiếc túi vải lùng nhùng, thì người đứng đằng sau đề nghị … giữ miệng túi dùm cho tôi bỏ đồ vào dễ hơn.
Hay như có người nhìn thấy tôi xách túi đồ rất nặng lê bước trên đường, họ đề nghị xách cùng đến hết con đường, vì cũng đi đến đó. Bạn không cần xinh đẹp hay hấp dẫn gì cả, chỉ cần bạn gặp khó khăn thì luôn có người sẵn sàng giúp đỡ.
Tất nhiên, không phải mọi người Pháp bạn gặp đều lịch sự, ga lăng. Nếu không may mắn, bạn có thể gặp những thành phần vô cùng bất lịch sự, có thể làm bạn bực mình suốt cả ngày. Hoặc nếu như bạn chỉ ở Pháp ít ngày, thì cũng khó có thể có cảm nhận như tôi.
Ở thành phố lớn và ở thành phố nhỏ hay đồng quê, "mức độ" lịch sự cũng có phần khác nhau. Những chuyện tôi chia sẻ ở đây là những gì tôi chứng kiến ở số đông người Pháp mà tôi đã từng gặp và chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.
Nhiều người hay chê là người Pháp lịch sự giả tạo thôi, chứ nhiều khi chả cần lịch sự, mà chân thành là đủ rồi, thực sự tôi không đồng ý.
Những quy tắc ứng xử lịch sự thực chất rất quan trọng trong đời sống, vì nó tạo ra một môi trường sống vô cùng thân thiện, làm người ta cảm thấy thoải mái, tự tin, thấy mọi chuyện đều có thể giải quyết một cách hòa bình, không cần phải dọa nạt, đe dọa nhau để giành phần hơn làm gì.
Ở Việt Nam tôi thấy người Việt bản tính rất tốt, nhưng nhiều khi còn thô lỗ, bất lịch sự. Thành ra nhiều người tâm trạng lúc nào cũng cáu kỉnh, va chạm nhỏ cũng đánh nhau, choảng nhau, thậm chí giết nhau. Rõ ràng là một thái độ thiếu thiện tình, một hành vi bất lịch sự sẽ làm cho người khác cảm thấy bị đe dọa, và cũng giương vây lên trả đũa. Trong khi đó, một lời nói nhẹ nhàng có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa hơn.
Ngoài ra, ở Việt Nam chưa có nhiều người biết cách ứng xử lịch sự nơi công cộng. Lời cảm ơn hình như nhiều người không biết. Có lần tôi nhặt được chứng minh thư nhân dân của một cặp vợ chồng đứng xếp hàng phía trước làm thủ tục check-in ở sân bay, tôi đưa cho họ nhưng không nghe thấy một lời cảm ơn.
Sau khi gửi hành lý, họ vứt thẳng xe đẩy hành lý ngay trước chỗ tôi xếp hàng rồi đi thẳng. Hay như tôi bị người đến sau chen lên mua vé trước là chuyện như cơm bữa, rồi tôi bế con nhỏ bị cửa kính suýt sập vào mặt vì người đi trước thả tay thật mạnh không cần biết có người đang đi vào. Tất nhiên, nhiều người Việt Nam cư xử ngày càng lịch sự hơn, nhưng những hành vi như thế rõ ràng là không hề thiếu ở Việt Nam.
Và thực tế, ứng xử lịch sự đâu khó khăn gì. Người Việt mình chỉ cần chú ý một chút thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.