MONG MANH RANH GIỚI "KỶ LUẬT" - "BẠO LỰC"
Năm 2011, thông tư của Bộ GD-ĐT quy định học sinh (HS) vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ hoặc buộc thôi học có thời hạn tùy vào từng mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, Thông tư 32 năm 2020 đã có nhiều thay đổi. Khi HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức gồm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để HS khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ HS nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, theo những quy định hiện hành, việc đánh mắng, phạt quỳ gối, phạt làm vệ sinh hay đuổi ra khỏi lớp... đối với một HS vi phạm, giáo viên (GV) đều không được sử dụng.
Thầy H.B.N, GV Trường THCS Hùng Vương, Q.Tân Phú, TP.HCM, kể: "Tôi từng rơi vào tình huống nguy hiểm ngày mới vào nghề. Đó là có một nam sinh nhiều lần không làm bài tập, sau khi nhắc nhở không được, tôi nói là sẽ báo về cho phụ huynh nếu em tiếp tục. Em HS này đã đứng lên đập bàn và thách thức: ông thử nói với mẹ tôi xem? Lúc đó tôi đã không kiềm chế được, ném viên phấn về phía em và nói "em gọi ai là ông, mời em ra khỏi lớp và suy nghĩ về thái độ của mình!". Trong buổi tối hôm đó, tôi nhận được cuộc gọi của phụ huynh với thái độ gay gắt: "Tại sao thầy lại ném phấn vào mặt con tôi và đuổi nó ra khỏi lớp? Thầy không có quyền làm như vậy. Thầy có tin tôi cũng sẽ ném đá vào mặt thầy không?".
Thầy Trần Anh Vũ, giảng viên Khoa Khoa học xã hội và Khoa Tâm lý, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Chúng ta cần phân biệt giữa sự hướng dẫn, kỷ luật tích cực với sự trừng phạt trẻ, gây tổn thương về mặt thể lý và tâm lý đến từ cảm xúc của cha mẹ hoặc người chăm sóc”, thầy Vũ nhấn mạnh.
Theo thầy Vũ, những nguyên tắc ứng xử, bài học, sự hướng dẫn cho trẻ có thể được phụ huynh lồng ghép vào những tình huống mỗi ngày và cần có sự nhất quán trước sau như một. Cần tránh việc trừng phạt trong khi trẻ chưa theo được những nguyên tắc đó.
“Chúng ta cần tiếp cận việc hướng dẫn trẻ với lòng bao dung và sự kiên nhẫn, bởi vì trẻ chưa đủ trưởng thành để có thể làm đúng các nguyên tắc chứ không phải trẻ cố tình ngỗ nghịch. Khi trẻ nhận được đầy đủ sự yêu thương, thấu hiểu và hướng dẫn, nhân cách của trẻ sẽ được phát triển lành mạnh và trẻ sẽ có khả năng tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình”, thầy Vũ trao đổi.
Thúy Hằng
Theo thầy H.B.N, đó là một bài học sâu sắc mà thầy học được trong việc ứng xử với học trò chưa ngoan. "Đôi khi, vì muốn học trò tốt hơn, hoặc vì chưa làm chủ được cảm xúc, một số GV có thể đã la mắng hoặc có hình phạt nghiêm khắc, nhưng điều đó lại bị quy vào vấn đề nghiêm trọng như GV bạo lực, xúc phạm học trò... Ranh giới giữa kỷ luật nghiêm khắc với bạo lực ngày nay quá mong manh, khiến áp lực của người thầy vô cùng lớn", thầy H.B.N bày tỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng thừa nhận ranh giới giữa kỷ luật và bạo lực ngày nay cực kỳ mong manh. "GV chỉ mắng học trò một chút có khi cũng bị cho là xúc phạm rồi. Trong nhiều tình huống cụ thể, người thầy cũng chịu những ức chế dẫn đến hành xử sai sót. Chính vì thế, nghề giáo khác các nghề khác là phải biết kiềm chế cảm xúc và phải có cách không để mình rơi vào những trạng thái tức giận, phản ứng với học trò. Tôi vẫn cho rằng nghề dạy học thời nay là nghề nguy hiểm vì luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ phụ huynh và xã hội. Chẳng hạn, chỉ một phút không kiềm chế được cảm xúc là có thể bị quay clip tung lên mạng làm ảnh hưởng tâm lý cả cuộc đời", tiến sĩ Kim Hồng nhận định.
XÂY DỰNG HÌNH PHẠT NHƯ THẾ NÀO ?
Theo tiến sĩ Kim Hồng, có những học trò nhờ hình phạt nghiêm khắc mà nhớ mãi và trưởng thành, nhưng có học trò lại vì hình phạt mà sợ hãi, ám ảnh đến mãi về sau.
"Kỷ luật của trường học thường được thiết lập trên đạo lý và quy định. Ngày xưa, đạo lý là người thầy được quyền giáo dục học trò theo cách của mình. Người thầy ngày đó rất nghiêm khắc, trò hư là thầy có thể đánh, phạt lao động công ích, phạt chép tay... Và tất cả những kiểu phạt đó đều được chấp nhận, phụ huynh hay bản thân học trò cũng không trách thầy. Thế nhưng thời nay khác rồi, những hình phạt kiểu đó đã không còn được chấp nhận do đạo lý thầy - trò đã thay đổi. Quy định về quyền trẻ em, quy định của Bộ GD-ĐT cũng không cho phép GV được xúc phạm và xâm phạm tới thân thể HS", tiến sĩ Kim Hồng phân tích.
Tiến sĩ Hồng kể thêm ở nhiều quốc gia phát triển và văn minh, HS vi phạm vẫn có hình phạt như phải lao động công ích cả tuần, là chuyện hết sức bình thường. "HS phạm lỗi, GV có quyền không dạy và đuổi ra khỏi lớp, người thầy cũng được quyền đưa ra hình phạt của mình để giúp học trò tốt hơn. Tuy nhiên, ở ta, hình phạt đó sẽ bị cho là thiếu nhân văn và vi phạm quy định", tiến sĩ Hồng cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Đăng, chuyên gia dạy kỹ năng sống và trí tuệ cảm xúc cho trẻ, Công ty quản trị tinh thần Proself (TP.HCM), dạy học là một nghệ thuật hợp tác giữa thầy và trò. Do vậy, việc thưởng và phạt, mục tiêu học cũng là việc thỏa thuận hợp tác giữa thầy và trò.
“Vậy để tránh bị hiểu lầm “kỷ luật” thành “bạo lực” thì cần có sự thống nhất các quy định lớp học, nếu HS vi phạm sẽ bị khiển trách và kỷ luật. HS cần ký các cam kết để thể hiện được các em phải chịu trách nhiệm. Cần chỉ ra cho HS thấy em đã sai hơn là chỉ phản ứng thuần túy. Trước đây đánh hoặc la hoặc phạt là đủ. Bây giờ cần các em tự nhận mình đã sai, đã vi phạm quy định”, bà Minh Đăng nhìn nhận.
Mỹ Quyên
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng việc đưa ra các hình thức kỷ luật để HS tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình là cần thiết. "Trường tôi có quy định HS phạm lỗi sẽ có các hình thức kỷ luật như ngồi lại lớp làm bài, dọn vệ sinh... Những vấn đề này đều có thông báo đến phụ huynh ngay từ đầu năm học và phân tích cho phụ huynh hiểu phạt là để HS nhận ra mình đã sai và không vi phạm nữa. Cái khó của nhà trường và GV ngày nay là còn phải giúp phụ huynh hiểu vấn đề. Nếu phụ huynh không thống nhất và phối hợp với giáo viên và nhà trường thì rất dễ thành "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", không thể giáo dục được trẻ", tiến sĩ Tùng Lâm chia sẻ.
Tiến sĩ Kim Hồng đề xuất thêm: "Ngoài quy định chung của Bộ GD-ĐT, trường cần có những quy định riêng và từng lớp học cũng có quy định nhỏ hơn. Theo đó, các hình thức kỷ luật phải được xây dựng bằng chính HS và GV, một cách cụ thể cho từng hành vi phạm lỗi. GV cần cân nhắc đối tượng HS nào thì dùng hình thức nào cho phù hợp. Tất nhiên những hình phạt đó phải không trái với quy định của pháp luật".
Bình luận (0)