Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), cho biết đây toàn bộ là tôm sú nuôi trong rừng ngập mặn, không được cung cấp thức ăn nên phát triển tự nhiên 100%. Chính vì vậy cũng không thể biết chính xác tuổi đời của mỗi con là bao năm.
"Số lượng rất ít, chúng tôi thường bán kèm với các lô hàng xuất khẩu để các nhà thương mại đem về phát triển hình ảnh. Tôm sú, đặc biệt là loại kích cỡ lớn rất được thị trường châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc ưa chuộng vì màu sắc đỏ tươi, bắt mắt và họ thường sử dụng sản phẩm này vào các dịp lễ tết quan trọng. Các thị trường nói trên cũng đang phục hồi tốt vì các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho mùa tiêu thụ cuối năm. Có thể những thị trường này sẽ tiếp tục tăng nhẹ so với năm 2022", ông Khoa kỳ vọng.
Sáng 23.8, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khai mạc VIETFISH lần thứ 24 với sự tham gia có 420 gian hàng đến từ 14 quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho biết: Hiệp hội đang xây dựng và phát triển VIETFISH trở thành hội chợ chuyên ngành lớn nhất khu vực và thế giới. Là nơi giao thương kết nối với các đối tác khắp thế giới và giới thiệu về một hình ảnh ngành thủy sản Việt Nam không chỉ an toàn và chất lượng cao mà còn đáp ứng các tiêu chí xã hội, môi trường bền vững.
Theo số liệu thống kê của hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 7.2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 26%, chỉ đạt 4,9 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu các nhóm mặt hàng của Việt Nam đều giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết giai đoạn hiện tại, các nhà nhập khẩu đang chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm nên thị trường có khởi sắc hơn.
Bình luận (0)