Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), người dân Mỹ ngày càng tiết kiệm chi tiêu khi giá thực phẩm lên quá cao. Giờ đây, họ ít mua hơn; chỉ mua sắm những hàng hóa thật sự thiết yếu và cả những sản phẩm không thương hiệu. Đó chính là lý do khiến xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 4 với mức giảm lên đến 51% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, thị trường quan trọng khác là Trung Quốc vẫn chưa phục hồi như mong đợi sau khi mở cửa trở lại. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 435 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Còn Nhật Bản đứng ở vị trí dẫn đầu chì vì nhờ sụt giảm ít hơn Trung Quốc và Mỹ. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu của cả ngành trong 4 tháng qua chỉ đạt 2,6 tỉ USD, giảm đến 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thủy sản đã tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, tình hình vẫn không quá khả quan khi tình trạng kinh tế thế giới ảm đạm chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Chia sẻ với Thanh Niên, một số doanh nghiệp cho biết, điểm mạnh của thủy sản Việt Nam là chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao; tôm là mặt hàng chủ lực trong cơ cấu ngành. Tuy nhiên, hiện các thế mạnh này lại đang trở thành thế khó khi người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm hơn. Bằng chứng là xuất khẩu tôm 4 tháng qua giảm 44% còn cá tra giảm đến 46%. Một doanh nghiệp tại TP.Cần Thơ cho hay, theo thông lệ hàng năm, cao điểm giao nhận hàng hóa thủy sản thường từ tháng 7 - 11. Có thể trong giai đoạn này, thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, nếu tình trạng kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn như hiện tại, khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2024.
Bình luận (0)