Chắt chiu cơ hội xuất khẩu thủy sản

Chí Nhân
Chí Nhân
20/04/2023 06:10 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng âm trong 3 tháng đầu năm 2023, song thị trường vẫn đang chuyển biến tích cực, đặc biệt là tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 đạt 1,8 tỉ USD, giảm đến 28% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nếu nhìn theo từng tháng thì thị trường vẫn đang tăng trưởng đều từ 456 triệu USD của tháng 1 lên 610 triệu USD ở tháng 2 và đạt tới 766 triệu USD trong tháng 3. 

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN), theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cũng đang có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, nếu trong quý 1, số đơn hàng giảm 20 - 50% thì sang quý 2 tăng lên 30 - 60% so với quý 2 năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi từ quý 3/2023.

Chắt chiu cơ hội xuất khẩu thủy sản - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn đang nỗ lực tận dụng các cơ hội thị trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Dư địa lớn từ thị trường khổng lồ Trung Quốc

Trao đổi với Báo Thanh Niên, nhiều DN lâu nay tập trung vào thị trường Âu - Mỹ cho biết vẫn đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng vì đơn hàng thưa thớt, cần thêm thời gian để trở lại trạng thái như trước. Nhiều DN tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng, tiện dụng cao để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có DN đã tìm được thị trường tiềm năng mới. Đơn cử Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) có thế mạnh trong lĩnh vực tôm sú và thị trường Trung Quốc lại đang trong tình trạng quá tải đơn hàng. Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc công ty, cho biết: Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu tăng mạnh. Thời gian qua, giá thành các loại sản phẩm của công ty tăng nhiều và khách hàng cũng quen với mặt bằng giá mới. Khách hàng Trung Quốc cũng sang tận nơi để tìm hiểu thị trường và ký hợp đồng nhập hàng. 

"Chúng tôi thậm chí phải chọn lọc và từ chối bớt khách hàng vì nguyên liệu không đáp ứng đủ. Đặc biệt mặt hàng tôm sú rừng ngập mặn Cà Mau, loại 20 con/kg có giá dao động từ 260.000 - 280.000 đồng/kg (tăng nhẹ so với năm 2022) vẫn rất hút khách. Các sản phẩm khác cũng tăng nhờ thị trường Trung Quốc đang phục hồi tốt, doanh số trong tháng 3 vừa qua tăng khoảng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Khách hàng Trung Quốc rất thích sử dụng tôm sú trong các dịp lễ hội truyền thống và bữa tiệc lớn vì màu sắc đỏ tươi, chất lượng thịt rất cao", ông Khoa cho biết.

Trong một nghiên cứu mới được công bố gần đây, giới chuyên gia cho biết khi thu nhập trung bình của người Trung Quốc tăng 4 - 5%, nhu cầu nhập khẩu tôm và cá biển tăng 10 - 12%. Năm nay, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5%, nhiều khả năng nhập khẩu tôm của nước này sẽ lần đầu tiên vượt 1 triệu tấn, tương đương giá trị khoảng 7 tỉ USD. 

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu con số kỷ lục là 955.000 tấn; tuy nhiên 49% trong số này đến từ Ecuador, 17% từ Ấn Độ, VN đứng thứ 3 với chỉ 4,4% tương đương kim ngạch 251 triệu USD cao hơn một chút so với Thái Lan 241 triệu USD. 

Theo các chuyên gia, nhu cầu của Trung Quốc rất đa dạng, gần đây có cả mắm tôm - một sản phẩm được làm từ tôm cỡ nhỏ, giá rẻ dùng để nấu lẩu - cũng tăng. Đây cũng là một trong nhiều sản phẩm từ tôm ngày càng phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc nên dư địa từ thị trường này là rất lớn.

Kim ngạch có thể tăng 2 - 3 lần hiện tại

VASEP cho biết tại thị trường Trung Quốc mặt hàng tôm thẻ chân trắng trong 3 tháng đầu năm giảm 50% do bị cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và Ecuador nhưng tôm sú vẫn tăng trưởng 29% và tôm biển tăng đến 119%. Đối với mặt hàng cá tra, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 61% đang bắt đầu phục hồi từ tháng 2 nhờ việc nước này chấm dứt chính sách zero Covid. 

Trong quý 1/2023, Nhật Bản với kim ngạch đạt 322 triệu USD đã thay Mỹ 284 triệu USD trở thành khách hàng lớn nhất của ngành thủy sản VN; Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba, đạt 279 triệu USD. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản VN trong thời gian tới dù áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và thương gia các nước khác cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.

Kiến nghị Chính phủ và các địa phương khuyến khích DN tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, dịch vụ hậu cần không chỉ cho ngành khai thác mà kể cả lĩnh vực nuôi trồng và hậu cần để có góp phần phát triển chuỗi cung ứng thủy sản bền vững và hiệu quả.

Bà Cao Thị Kim Lan, Ủy viên Ban Chấp hành VASEP

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận xét: "Thị trường Trung Quốc là nơi còn nhiều dư địa gia tăng thị phần xuất khẩu của thủy sản VN. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 23 tỉ USD thủy sản nhưng VN mới chỉ chiếm 7% thị phần. Tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc rất lớn, thậm chí có thể tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong 2 - 3 năm tới".

Để khai thác hiệu quả thị trường quan trọng này, cộng đồng DN thủy sản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành chức năng cần có sự quan tâm, đánh giá và phối hợp xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo từng thị trường địa phương lớn của Trung Quốc với những đặc thù tiêu thụ sản phẩm khác nhau. 

Cụ thể, xúc tiến hàng giá trị gia tăng cho thị trường Thượng Hải; bên cạnh đó đẩy mạnh xuất khẩu sang Quảng Đông là thị trường lớn và điểm kết nối với Hồng Kông, Macau. Ngoài ra tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại giao thương biên giới với Quảng Tây, vốn có nhu cầu lớn và lợi thế vận tải cũng như cần quan tâm hơn thị trường truyền thống Thanh Đảo - trung tâm hội chợ thủy sản lớn tại Trung Quốc.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU

Một giải pháp để gỡ khó cho thủy sản xuất khẩu là gỡ thẻ vàng IUU. Năm 2017, EU áp dụng thẻ vàng đối với ngành khai thác thủy hải sản của VN do không đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Dù có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng tại một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập. 

Điển hình là mới đây Thủ tướng Chính phủ phê bình các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang khi tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo VASEP, IUU không còn là yêu cầu riêng của EU mà đã trở thành yêu cầu của cả các thị trường lớn khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản… 

Trong trường hợp không khắc phục được thẻ vàng, thậm chí tệ hơn nếu bị cảnh báo thẻ đỏ, thì không chỉ mất thị trường EU (giá trị xuất khẩu thủy hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm) mà còn ảnh hưởng cả các thị trường quan trọng khác cũng như tổn hại về uy tín, thương hiệu của toàn ngành thủy sản VN.

Bà Cao Thị Kim Lan, Ủy viên Ban Chấp hành VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, thừa nhận khó khăn trong công tác khắc phục thẻ vàng chính là thực trạng cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều trở ngại. 

Nếu cơ sở hạ tầng nghề cá không được đầu tư nâng cấp và cải thiện quy trình sẽ khó gỡ thẻ vàng của EU và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được. Vì thực tế tại các địa phương ven biển, vấn đề kỹ thuật, công nghệ và năng lực xử lý các quy trình thực thi, thủ tục xác nhận - chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều hạn chế và bất cập, gây ách tắc cho DN. 

Để giải quyết khó khăn cho DN cần cải tiến nhanh cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền - khai thác làm sao để hệ thống cơ sở dữ liệu của 28 tỉnh thành ven biển phải liên thông nhau, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn. Bên cạnh đó, quy trình xác nhận - chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.