Tại buổi tiếp công dân đầu tiên trên cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi nhận xét hồ sơ về nguồn gốc, lịch sử quản lý và sử dụng căn nhà 82 đường Lý Tự Trọng đã rất rõ ràng, đồng thời yêu cầu các đơn vị sớm tham mưu quyết định không quản lý căn nhà này để ông Lê Phước Lộc (68 tuổi, ngụ Q.1, người sử dụng căn nhà) thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Ông Phan Văn Mãi (phải), Chủ tịch UBND TP.HCM, tiếp công dân định kỳ, giải quyết thấu đáo kiến nghị của người dân |
NGUYÊN VŨ |
Ông Mãi cũng yêu cầu các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ người dân tiến hành các thủ tục nhanh chóng, dứt điểm. Để có được kết luận “thấu tình, đạt lý” trên, ông Lộc phải chờ hơn 5 năm, kể từ khi nộp hồ sơ đề nghị chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q.1 làm thủ tục công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.
Căn nhà rộng 146 m2 ở khu vực trung tâm từng được cha mẹ ông Lộc bàn giao cho nhà nước quản lý (năm 1985) nhưng rồi không ai quản lý, ông Lộc sử dụng ổn định, xuyên suốt, không tranh chấp với ai. Muốn được cấp “sổ đỏ”, ông Lộc phải được nhà nước xác nhận không quản lý căn nhà này. Thủ tục này khá đơn giản và được quy định tại điểm d, khoản 1, điều 5 Nghị quyết số 755/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI. Giải thích việc chậm cấp “sổ đỏ”, lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho rằng nguồn gốc căn nhà phức tạp nên cần bổ sung nhiều giấy tờ cho đầy đủ quy định và mong ông Lộc thông cảm.
Điều oái oăm là, theo báo cáo của Sở Xây dựng, khi lấy ý kiến một số đơn vị liên quan nhưng không nhận được phúc đáp dẫn đến việc giải quyết đơn kiến nghị của người dân bị kéo dài. Chuyện hồ sơ bị “ngâm” vì phải lấy ý kiến các đơn vị liên quan khiến người dân ngán ngẩm vì quyền lợi thiết thân của mình bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều đó cho thấy nhiều cán bộ cơ quan nhà nước còn thói quan liêu, chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để giải quyết hồ sơ nhanh nhất trong thẩm quyền.
Bình luận (0)