Vào chiều ngày 12.5, chúng tôi có một chuyến đi cùng các bạn sinh viên về xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng để ngắm cảnh hoàng hôn. Tại đây, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước những cánh đồng lúa bạt ngàn vàng ươm sắp đến ngày thu hoạch.
Đứng trước cánh đồng lúa, chúng tôi cảm nhận rõ được sự trù phú, màu vàng của lúa chín kéo dài xa tít tận chân trời. Từng đợt gió mát ùa vào mang theo hương thơm thoang thoảng của lúa. Phía xa là những người nông dân đang vội vã đắp lại những bờ đê bị vỡ để kịp về nhà trước khi bóng đêm bao phủ hết cánh đồng.
Đứng trước vẻ đẹp mộc mạc của cánh đồng lúa dưới chiều hoàng hôn, Nguyễn Ngọc Quế Thanh, sinh viên Trường CĐ nghề Cần Thơ, cho biết: “Đứng trước cánh đồng lúa khiến mọi áp lực, mệt mỏi của tôi tự nhiên tan biến. Những ký ức tuổi thơ chợt ùa về sống động hơn bao giờ hết”.
“Tôi thấy mình như một đứa trẻ, vô tư chạy nhảy bên những bờ đê đuổi bắt những cánh chuồng chuồng bay lảo đảo, rồi chợt đậu trên lá lúa”, Quế Thanh chia sẻ.
|
|
|
Đang bắt đầu mùa gặt nên chúng tôi phát hiện một vài thửa ruộng đã được cắt hết lúa, chỉ còn trơ những gốc rạ. Từng đống rơm vàng ươm được chất đống cao chót vót, những đứa trẻ con mặt lấm lem bùn đất chạy nhảy xung quanh, tiếng cười sảng khoái vang vọng cả một góc trời. Vài con chim hót ríu rít đậu trên những sào tre được cắm dọc bờ đê rồi bay nhanh lên cao rồi sau đó mất hút vào không trung.
Đồng hồ điểm 18 giờ, mặt trời bắt đầu lặn như trốn sau những rặng cây rồi biến mất, chỉ để lại những vệt mây màu đỏ rực trên nền trời xanh. Bóng tối bắt đầu bao phủ cả cánh đồng, những thanh âm lạ lẫm bắt đầu vang vọng như tiếng ếch, nhái,… Từng đàn cò bay đều theo hàng vội vã về tổ sau ngày dài kiếm ăn trên mọi cánh đồng. Những người đi làm đồng cuối cùng cũng thu dọn nông cụ, trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả.
|
|
|
Nguyễn Hoàng An, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết cánh đồng lúa là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của anh. “Tôi nhớ như in những buổi trưa trời nắng chang chang lũ trẻ chúng tôi dựng nhà chòi bằng lá chuối ngồi canh bẫy chim. Hay những buổi chiều dắt chó theo ba bẫy chuột trên những cánh đồng sau mùa gặt”, Hoàng An kể lại.
Theo Hoàng An, hình ảnh cánh đồng lúa gợi cho anh về sự vất vả của cha mẹ khi phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chính vì sự thấu hiểu đó giúp anh có thêm động lực để học tập và nghị lực vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.
Trời trở về tối, chúng tôi di chuyển đến nhà của người dân địa phương gần đó. Tại đây, chúng tôi được thiết đãi một món ăn vô cùng đặc biệt mang đậm dấu ấn ẩm thực miền tây Nam bộ - bánh canh mặn nước cốt dừa. Hương vị đặc biệt của món ăn này là sự kết hợp hài hòa của các loại cá, tôm tươi, bột xay từ gạo kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy.
|
Trời mưa lất phất, ngồi thưởng thức tô bánh canh nước cốt dừa được rắc thêm ít tiêu tạo cho chúng tôi cảm giác ấm bụng và ấm áp với lòng mến khách của người dân nơi đây.
Nghiêm Mộng Tuyền, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tấm tắc khen ngon khi lần đầu được thưởng thức món bánh canh đặc biệt. “Trước giờ tôi chỉ thấy các món ngọt như chè mới sử dụng nước cốt dừa. Đối với món bánh canh này thì nước cốt dừa là linh hồn. Đó là sự hài hòa của vị mặn, ngọt, béo,…tôm cá tươi cộng với sợi bánh canh dẻo dai”, Mộng Tuyền chia sẻ.
Thưởng thức bánh canh nước cốt dừa và ngắm hoàng hôn trên đồng lúa bạt ngàn miền Tây có thể là một trải nghiệm độc đáo cho các bạn trẻ.
Bình luận (0)