Ngẫm nghĩ về khát vọng sống của nữ tử tù

22/02/2016 07:54 GMT+7

Đời mình đã chẳng phải bê bết lắm sao, sao còn nhẫn tâm kéo theo một con người ngay khi chưa chào đời đã phải sống trong thị phi và lớn lên trong mặc cảm.

Đời mình đã chẳng phải bê bết lắm sao, sao còn nhẫn tâm kéo theo một con người ngay khi chưa chào đời đã phải sống trong thị phi và lớn lên trong mặc cảm.

Kỳ thực, người ta không phải là sợ chết mà là sợ mất đi những điều hiện hữu. - Ảnh minh họa: ShutterstockKỳ thực, người ta không phải là sợ chết mà là sợ mất đi những điều hiện hữu. - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tần Thuỷ Hoàng vì muốn ở mãi ngôi vương nên sai đạo sĩ Từ Phúc dong thuyền ra biển đến đảo Bồng Lai kiếm phương thuốc trường sinh bất lão. Từ Phúc vâng mệnh, đem nhiều người đi cùng để tìm thuốc tiên nhưng thực chất cùng bỏ trốn sang Nhật.
Tần Thuỷ Hoàng chết vẫn ôm mộng bá vương, xây lăng tẩm đồ sộ chôn cùng hàng ngàn binh sĩ, hàng ngàn báu vật mà tận hưởng ở thế giới bên kia.
Đông Tây kim cổ vẫn thường lưu truyền những mẩu chuyện về tham vọng chiến thắng quy luật sinh tử tự nhiên của con người. Tôi vẫn thường nghĩ mỗi sinh mệnh trên cuộc đời đều có số kiếp, đã có sinh thì hẳn có diệt như hoa nở rồi cũng tàn, lá mọc rồi phải rụng chẳng thể đi ngược lại con đường luân hồi.
Nhưng phàm là người, mấy ai có thể an yên mà nhắm mắt xuôi tay thuyên chuyển về một cõi khác chờ được hoá kiếp mà lòng tuyệt nhiên không vướng bận.
Sinh ra một kiếp người đã phải chịu muôn vàn khổ đau. Có bất nhẫn quá không khi đã chẳng thể cho nó một cuộc đời trọn vẹn với sự quan tâm đủ đầy vật chất, đủ đầy tình thương mà lại biến nó trở thành một tấm bùa hộ mệnh cho những toan tính ích kỉ của riêng mình?
Nghe nói, khi con người chết đi, trên đường ngang qua cầu Nại Hà còn xin một lần được đứng ở Vọng Hương Đài để nhìn về cõi nhân gian lần cuối mà đau đớn khi đã thăm thẳm nghìn trùng xa cách thân bằng quyến thuộc, mà luyến tiếc vinh hoa phú quý một đời gầy dựng phút chốc chỉ như hạt bụi bay lơ lửng không trung, mà hối hận với những điều chưa thoả. Chỉ đến khi uống canh Mạnh Bà mọi nỗi niềm oán hận, buồn vui sướng khổ một đời mới có thể thực sự quên lãng.
Kỳ thực, người ta không phải là sợ chết mà là sợ mất đi những điều hiện hữu.
Tôi vẫn nghĩ, người ta còn luyến tiếc cuộc đời vì quá nhiều lẽ, có người đó là sự thụ hưởng, có người đó là cống hiến. Nhưng một người đàn bà tử tù đang mòn mỏi đếm ngược dần những năm tháng cuối đời sau cánh song sắt phòng giam vì điều gì mà khao khát sống? Quyền lực không, thanh xuân cũng chẳng còn nữa khi cả cuộc đời còn lại đằng đẵng bị quản giáo, mỗi bước chân đi đều bị dõi theo kĩ lưỡng mà leo lắt tận hưởng thứ không gian tự do ít ỏi sau những hàng rào kẽm gai và các bức tường bê tông kiên cố.
Tôi thật sự không thể tin vào lí do chị muốn chuộc lại lỗi lầm của những năm tháng ham mê vật chất mà gieo rắc cái chết trắng cho hàng ngàn người để mỗi ngày còn được sống là một ngày ăn năn sám hối.
Bởi, trong sát na đó, khi chị cố tình có thai để cứu rỗi sự sống của mình là thêm một lần chị đã phạm vào đại tội. Mạng sống của chị đã phải đánh đổi bằng tự do của rất nhiều người, trong đó đáng thương nhất vẫn là đứa bé mà chị sắp sinh nở.
Sinh ra một kiếp người đã phải chịu muôn vàn khổ đau. Có bất nhẫn quá không khi đã chẳng thể cho nó một cuộc đời trọn vẹn với sự quan tâm đủ đầy vật chất, đủ đầy tình thương mà lại biến nó trở thành một tấm bùa hộ mệnh cho những toan tính ích kỉ của riêng mình?
Đời mình đã chẳng phải bê bết lắm sao, sao còn nhẫn tâm kéo theo một con người ngay khi chưa chào đời đã phải sống trong thị phi và lớn lên trong mặc cảm.
Nếu biết quý trọng một ngày làm người, sao không sống tốt và ý nghĩa cho đến khi nhắm mắt để dù kiếp người là hữu hạn nhưng đã sống rất nhiều và cho đi thật nhiều hơn là sống lâu mà đã chết tự bao giờ khi sự hiện hữu của mình đã chẳng còn ý nghĩa trên cuộc đời này nữa.
Cuối cùng thì, trái ngược với sống không phải là chết mà chính là sự sống chỉ có ý nghĩa tồn tại về mặt sinh học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.