Đó là kiến nghị chung của nhiều đại biểu tại buổi toạ đàm về chủ đề: Ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý động vật hoang dã, do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Cứu trợ hoang dã (WILDAID), Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) tổ chức hôm nay, 27.3, tại Hà Nội.
Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) cho biết, tình trạng săn bắt, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Đặc biệt là hành vi rửa nguồn gốc, trà trộn động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp vào động vật hoang dã gây nuôi để buôn bán, giết mổ. Các hoạt động này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh cho con người.
Theo thống kê từ tháng 1.2018 đến ngày 31.5.2019, lực lượng kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý 560 vụ vi phạm về động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, 41 vụ xử lý hình sự với 38 bị can; 27 bị can được đưa ra xét xử với mức phạt cao nhất là 7 năm 6 tháng tù giam; xử lý hành chính 519 vụ.
Cục Kiểm lâm cho rằng, số vụ án được đưa ra xử lý thấp dẫn đến hạn chế tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Để tháo gỡ, Cục Kiểm lâm kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã; tránh hành chính hoá các quan hệ hình sự, bỏ lọt tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của lực lượng thực thi pháp luật.
Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách và phát triển bền vững, cho rằng ngay từ đầu dịch Covid-19, Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt ra nghi vấn virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật hoang dã. Vấn đề về động vật hoang dã hiện nay cần được nhìn nhận ở góc độ bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sức khoẻ con người.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy định pháp luật bảo vệ động vật hoang dã còn bộc lộ hạn chế, đó là sự thiếu vắng quy định về quyền tự nhiên của động vật. Các quy định về động vật hoang dã hiện nay nằm rải rác trong các bộ luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, khách thể của tội phạm liên quan đến động vật hoang dã trong luật Hình sự 2015 là tội phạm về kinh tế, không phải là tội phạm về môi trường, điều này bỏ qua việc đánh giá tác động môi trường và đa dạng sinh học, cũng như tác động đến sức khoẻ con người khi xem xét đến hậu quả pháp lý.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, trong 12.3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Theo ban tổ chức tọa đàm, những ý kiến từ các chuyên gia sẽ cung cấp thêm các thông tin để các bộ, ngành tham khảo, nghiên cứu đưa vào dự thảo chỉ thị trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)