Trong thời đại bùng nổ công nghệ số và trên một thương trường mang tính cạnh tranh khốc liệt, chỉ có những ngân hàng biết nỗ lực đầu tư công nghệ thì mới có thể khẳng định được thế mạnh và chiếm được sự tin yêu của khách hàng.
|
Xu hướng công nghệ hóa
Hiện nay, ứng dụng công nghệ ở mọi lúc, mọi nơi được xem là việc làm vô cùng quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và hướng tới sự văn minh hiện đại của con người. Do đó, việc sử dụng Internet và các sản phẩm số hóa đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu hằng ngày và cũng làm cho những thói quen sinh hoạt, vận động trước đây của con người bị thay đổi rất nhiều.
Việc giao tiếp giữa người với người hằng ngày giờ đây hầu như đều qua các công cụ trò chuyện trực tuyến, đi mua sắm cũng là chọn hàng và thanh toán qua mạng, hay như chuyển tiền, vay tiền hoặc làm giao dịch với ngân hàng cũng chỉ cần thông qua kết nối internet mà không phải trực tiếp đến tận nơi...
Điều đó cho thấy một thực tế, là bất kỳ lĩnh vực nào cũng không thể đứng yên trước sự vận động liên tục của một thị trường năng động đang phát triển trong bối cảnh công nghệ số ngày một tiên tiến. Trong đó lĩnh vực ngân hàng, tín dụng cũng không phải ngoại lệ, bởi công nghệ đã và đang làm thay đổi rất lớn tới cách mà người dùng tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, như ở Mỹ, từ những năm 1970 cho tới nay đã diễn ra một cuộc cách mạng công nghệ lớn trong các hệ thống ngân hàng. Các dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (telephone banking), thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, máy rút tiền tự động trở nên phổ biến hơn bao giờ, ngân hàng và tiền tệ điện tử cũng đều đang phát triển cực kỳ rầm rộ.
Máy tính và công nghệ cũng là công cụ chủ yếu để các ngân hàng của quốc gia này đảm bảo được việc kiểm soát những rủi ro trong thế giới dịch vụ tài chính mới đang phát triển cực kỳ phức tạp.
Nắm bắt xu thế này, ở Việt Nam, các ngân hàng cũng đang tích cực chạy đua trong việc tung ra thị trường những dịch vụ được xây dựng trên nền tảng công nghệ với nhiều tính năng, tiện ích khác nhau nhằm tiếp cận tối đa với đối tượng khách hàng đông đảo nhất trong xã hội hiện đại là những người bận rộn, năng động và thường xuyên sử dụng Internet cũng như các sản phẩm công nghệ số.
Chỉ riêng trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng điện tử, có thể thấy các ngân hàng Việt Nam đã có một sự đầu tư về công nghệ và cạnh tranh ác liệt trong việc cung cấp dịch vụ tối ưu cho khách hàng.
Và cuộc chạy đua "ngân hàng số"
TPBank là ngân hàng tiên phong cho việc nhất thể hóa Internet Banking và Mobile Banking thành một phiên bản duy nhất, có thể chạy trên mọi thiết bị. Ngoài ra tài khoản EasyLink đăng nhập trên ngân hàng điện tử của ngân hàng này còn cho phép người dùng đồng bộ nhiều tài khoản với nhiều số dư khác nhau, điều chuyển linh hoạt các hạn mức ứng, vay trả một cách tiện lợi và thông minh.
Rất nhiều ngân hàng cũng đã và đang tích cực cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, từ tiền điện, tiền nước, điện thoại, internet, vé máy bay cho đến phí truyền hình cáp... Một số ngân hàng còn cung cấp ứng dụng điện thoại cho khách hàng trên cả 3 hệ điều hành iOS, Android và Windows Phone.
Cũng chính nhờ những dịch vụ được ra đời dựa trên sự nỗ lực cải tiến công nghệ của các ngân hàng mà người sử dụng dịch vụ tài chính mới có được những sự tiện lợi, giảm thiểu được chi phí và có thể tiếp cận một cách trực tiếp với sự trợ giúp, ưu đãi từ các ngân hàng mà không cần phải tới các chi nhánh hay điểm giao dịch.
Ví dụ như một khách hàng có nhu cầu vay tiền của một ngân hàng, chỉ cần ngồi trước máy tính và trả lời một vài thông tin cần thiết trên website của ngân hàng đó là đã biết ngay được những phương án vay phù hợp cho mình.
Có thể kể tới như website của ngân hàng TPBank, được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới nhất với khả năng tương tác cao, vừa là một nhà tư vấn cho vay tài chính trực tuyến và vừa kiêm cả một nhân viên ngân hàng, có thể giúp cho khách hàng mở và sử dụng tài khoản tín dụng mới chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Có thể nói, trong thời đại bùng nổ công nghệ số và trên một thương trường mang tính cạnh tranh khốc liệt, chỉ có những ngân hàng biết nỗ lực vận động thì mới có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh, khẳng định được thế mạnh của mình.
Đó cũng là lý do mà những ngân hàng tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ như Sacombank, Vietcombank, TPBank là những ngân hàng từng được nhận giải thưởng Ngân hàng điện tử được yêu thích MyEbank, được Hội đồng chuyên môn của cuộc thi đánh giá cao cải tiến đột phá công nghệ cũng như khách hàng sử dụng yêu mến ủng hộ và bình chọn.
Không chỉ trong nước, các ngân hàng Việt Nam còn được các chuyên gia, hội đồng nước ngoài đánh giá rất cao về công nghệ và còn trao tặng rất nhiều các danh hiệu lớn, như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là “Ngân hàng điện tử tốt nhất” do Global Banking and Finance Review - tạp chí điện tử về tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu của Anh trao tặng, hay TPBank mới đây đã lần thứ hai được nhận giải thưởng Ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam từ Tạp chí Global Financial Market Review (GFM) - tạp chí hàng đầu về thị trường tài chính thế giới.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Ngân hàng TPBank cũng từng nói rằng việc đầu tư và phát triển mạnh nền tảng công nghệ và dịch vụ ngân hàng số được coi như là chiến lược để nâng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng khi mà lượng người dùng Internet tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Vì vậy mà với xu hướng chung về ngân hàng số trên thế giới cũng như trong nước, cuộc chiến giữa các ngân hàng trong thời gian tới dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn nữa khi sẽ có rất nhiều ngân hàng triển khai đầu tư mạnh về công nghệ, chuyển đổi dần các giao dịch ngân hàng trực tiếp tại quầy sang giao dịch điện tử.
Khi ấy, lợi thế nhất định sẽ thuộc về những ngân hàng nào thấu hiểu được mọi nhu cầu khách hàng để cho ra đời những sản phẩm dịch vụ công nghệ tiên tiến vượt trội, đem lại nhiều giá trị tiện lợi và chiếm được lòng tin cũng như tình cảm của khách hàng.
Bình luận (0)