Nuốt thẻ, không chịu nhả tiền
Mấy hôm nay, ông Nguyễn Hồng Minh, nhân viên một công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 (TP.HCM) cứ phải ấm ức mỗi khi ra máy ATM của Ngân hàng NN-PTNT gần chỗ làm rút tiền.
|
Ông Minh kể mỗi khi đưa thẻ vào máy luôn thấy báo không thể rút tiền được. Điều này buộc lòng ông Minh mỗi khi cần tiền phải đôn đáo chạy đi tìm máy ATM khác, thậm chí phải chịu phí khi rút ở ATM ngoài hệ thống.
“Điều tôi không hài lòng với máy ATM của ngân hàng này chính là chất lượng dịch vụ. Phòng máy không sạch sẽ. Điều hòa luôn bị tắt. Thậm chí có lần vào buổi tối, tôi rút tiền thì máy không nhả tiền cũng không nhả thẻ, dù trước đó báo giao dịch thành công. Tôi phải đứng chờ trong phòng máy 20 phút và bị bảo vệ ra dọ hỏi vì sợ phá máy”, ông Minh bức xúc.
Gần đây, nhiều khách hàng than phiền vì chất lượng dịch vụ phập phù, thậm chí là yếu kém của hệ thống ATM thuộc Ngân hàng Đông Á. Điều đáng nói sự cố máy ATM Đông Á không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn xảy ở Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang…
Anh Huỳnh Tấn Liễu phản ánh với Thanh Niên Online: “Ở Long An, nhiều lần tôi không thể rút tiền từ ATM Đông Á. Có dịp chạy xuống Tiền Giang, Bến Tre đều không rút được. Chán lắm!”.
Chưa kể nhiều người còn phản ánh ATM Đông Á nuốt thẻ, máy báo giao dịch thành công nhưng không chịu nhả tiền khiến khách hàng tốn thời gian khiếu nại.
Ngày 21.5, PV Thanh Niên Online thử khảo sát một số máy ATM của Đông Á ở Q.1. Kết quả đúng như phản ánh, phần lớn máy ATM Đông Á không thể giao dịch được.
Đơn cử như ATM Đông Á trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.1), màn hình tắt lịm. Gương kính trong phòng máy bị đập vỡ. Mặt tiền ATM được một công ty trưng dụng làm chỗ giữ xe.
Hay máy ATM Đông Á nằm gần trụ sở Sở Y tế, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) cũng hỏng hóc tương tự.
Máy ATM Đông Á nằm gần UBND Q.3 (TP.HCM), trên đường Nguyễn Đình Chiểu hoạt động nhưng khi đút thẻ lại báo hiệu “máy bị lỗi, không thể giao dịch”.
|
Lắp đặt dàn trải
Ông Trần Nguyễn Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm ATM POS Ngân hàng Đông Á cho biết, nhiều máy ATM có sự cố là do trong năm nay Đông Á lên kế hoạch bảo trì toàn bộ hơn 350 máy ATM ở TP.HCM.
Một số máy ATM sẽ được Ngân hàng Đông Á xây mới, một số khác sẽ nâng cấp lại, một số máy ở vị trí cũ không hiệu quả được dời sang vị trí khác… Việc sửa chữa, nâng cấp này sẽ được hoàn thành vào tháng 7.
“Phải thừa nhận một số máy ATM được lắp đặt trước đây không mang lại hiệu quả buộc phải cắt giảm”, ông Thanh cho hay.
Bà Nguyễn Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank cho hay, có nhiều lý do để ngân hàng cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống ATM. Trong đó, đáng chú ý nhất là tiết giảm chi phí và bảo đảm an toàn cho khách hàng và ngân hàng.
“Việc đập phá ATM ngày càng tăng cao. Chưa kể mới đây công an bắt giữ một số đối tượng Trung Quốc sang Việt Nam sử dụng thẻ ATM giả rút tiền”, bà Hằng nói.
Ngoài ra, chí phí lắp đặt và duy trì dịch vụ ATM quá cao khiến các ngân hàng phải chịu lỗ khi đầu tư. Trung bình để mua một máy ATM tốn khoảng 600 triệu đồng. Sau đó ngoài việc bỏ vài trăm triệu đồng/ngày tiếp quỹ ATM, ngân hàng còn tốn hàng chục triệu đồng/tháng cho chi phí địa điểm, bảo trì, công an, bảo vệ…
Theo một số chuyên gia, với những tốn kém như vậy, việc co cụm nếu diễn ra sẽ rơi vào các ngân hàng nhỏ. Với ngân hàng lớn, việc đầu tư ATM sẽ không dàn trải như trước. Thay vào đó, ngân hàng sẽ cắt bỏ những máy riêng lẻ, không hiệu quả nhưng sẽ lắp đặt nhiều máy ở vị trí đắc địa.
|
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink cho hay, các ngân hàng cần cơ cấu hệ thống ATM theo hướng chọn điểm nào đó thật thuận lợi và an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng.
"Hiện nay việc lắp đặt ATM của nhiều ngân hàng quá dàn trải và vô cùng tốn kém cho việc cung cấp dịch vụ sau này. Chưa kể chính sự đầu tư dàn trải này dẫn đến một số điểm ATM không an toàn. Thậm chí một số điểm ATM bị kẻ xấu đập phá, khách hàng rút tiền xong bị cướp", bà Tú Anh nói.
Ở một góc độ khác, ông Lê Vũ Kỳ, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB cho hay việc đầu tư, phát triển ATM còn phụ thuộc vào quan điểm của từng ngân hàng.
“ACB coi ATM không phải là trung tâm lợi nhuận của ngân hàng nên không đặt nặng khi đầu tư. Tuy vậy lợi ích mà ATM đem lại rất lớn như việc đẩy mạnh thương hiệu của ngân hàng. Chưa kể ATM là một phần dịch vụ mà ngân hàng cần phải có nếu muốn lớn mạnh. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển hệ thống ATM”, ông Kỳ khẳng định.
Lượng máy ATM tăng chậm Theo Hiệp hội Thẻ, năm 2011, số lượng máy ATM có xu hướng tăng chậm lại. Nguyên nhân tăng chậm là do chi phí hạ tầng, vận hành, bảo vệ máy ATM ngày càng tăng, trong khi khoản thu về không đáng kể. Nhiều ngân hàng đang sắp xếp lại hệ thống máy ATM theo hướng rút bớt máy ở những điểm không hiệu quả để tập trung phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên thẻ. Agribank tiếp tục dẫn đầu thị trường với 2.100 máy, chiếm 15,4% thị phần, tiếp theo là Vietinbank với 1.829 máy, chiếm 13,4% thị phần và Vietcombank đứng thứ ba với 1.700 máy chiếm 12,5% thị phần. |
Trung Hiếu
>> Máy ATM “hào phóng”
>> Nhiều máy ATM Đông Á không chịu “nhả” tiền
>> Giữ tiền an toàn khi đi du lịch
>> Habubank hết lỗ cả ngàn tỉ trong năm nay nếu sáp nhập vào SHB?
>> Mơ một lần... nhận lương
>> Rút tiền bằng thẻ ATM giả
>> Gian lận thẻ ATM tăng đột biến
>> Vụ bắt kẻ dùng thẻ ATM giả rút tiền: Có 3 người nước ngoài liên quan
Bình luận (0)