Lãi suất liên ngân hàng ngày 19.6 tiếp tục giảm thêm 0,03 - 0,23% so với cuối tuần qua. Mức giảm này đẩy lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống thấp nhất trong vài năm trở lại đây, còn 0,78%/năm; 1 tuần còn 1,02%/năm, 2 tuần còn 1,53%/năm. Các kỳ hạn này có mức lãi suất thấp hơn thời điểm tháng 8.2021 (dịch Covid-19 diễn ra). Riêng các kỳ hạn còn lại có lãi suất cao gấp 2 - 4 lần so với tháng 8.2021. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,05%/năm, 2 tháng 4,47%, 3 tháng 4,87%, 6 tháng 6%, 1 năm 7,13%. So với mức lãi suất cao nhất trong năm qua, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng đang thấp hơn từ 1,93 - 7,57%/năm.
Hôm nay, hàng loạt các nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,4%/năm. Các kỳ hạn dưới 6 tháng có mức lãi suất cao nhất đụng trần 4,75%/năm. Riêng ACB có mức lãi suất thấp nhất 3,9%/năm ở kỳ hạn 1 tháng. So với thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, trần lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4%/năm, như vậy mức trần lãi suất huy động hiện nay đang cao hơn khoảng 0,75%/năm.
Từ 6 tháng trở lên, lãi suất có sự khác biệt giữa các ngân hàng, dao động từ 5,5 - 7,7%/năm. Mức lãi suất cao nhất thuộc về Vietbank ở mức 7,7%/năm, ABBANK ở mức 7,5%, NAMABANK 7,1%... Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất dao động từ 6,6 - 7,7%/năm. Như vậy, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở đi cao hơn những kỳ hạn dưới 6 tháng từ 1 - 3%/năm.
Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước về kết quả điều tra lạm phát tháng 6.2023, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam dự báo lạm phát tháng 6 tăng 0,26% so với tháng 5. Lạm phát bình quân năm 2023 tăng 3,74% so với năm 2022 và lạm phát bình quân năm 2024 tăng 3,79% so với năm 2023. Điều này cho thấy, lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng hiện nay đang cao hơn mức lạm phát gần gấp đôi.
Ngân hàng đua nhau mua lại trái phiếu trước hạn
Bình luận (0)