Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu:

Ngân hàng được phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp

30/10/2023 17:52 GMT+7

Thương nhân đầu mối xăng dầu được chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tài khoản này chỉ sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ theo thông báo điều hành của Bộ Công thương. Ngân hàng được phép thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp.

Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, sau tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành. Đáng lưu ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công thương đã bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Doanh nghiệp được phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ Công thương bổ sung thêm các quy định siết chặt quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu

P.H

Cụ thể, định kỳ 6 tháng, trước ngày 15.8, ngày 15.2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Bộ Tài chính, Bộ Công thương. 

Báo cáo kiểm toán chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu bao gồm: số dư quỹ; tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ; tổng số tiền trích lập quỹ, số tiền chi quỹ; tiền lãi phát sinh trên số dư quỹ dương hoặc âm trong kỳ báo cáo. 

Số dư quỹ bình ổn cuối kỳ báo cáo, chi tiết sao kê tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo. Báo cáo kiểm kê sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ của từng kỳ điều hành.

Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề. 

Thương nhân đầu mối kinh doanh phải báo cáo số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập... đồng thời gửi kèm bản sao kê tài khoản quỹ trong kỳ báo cáo. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo. 

Dự thảo nêu rõ, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp, theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương. Ngân hàng được thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp. 

Cũng theo dự thảo mới được bổ sung và hoàn chỉnh, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giữa 2 đợt thay đổi giá bán lẻ được rút ngắn xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ năm hằng tuần.

Trong trường hợp thứ năm trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch (29 hoặc 30 tết Nguyên đán), lịch điều hành giá thực hiện vào ngày thứ tư liền kề trước đó. Nếu thứ năm trùng vào ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 tết, thì thay đổi giá vào ngày mùng 4 tết.

Trong trường hợp thời gian điều chỉnh trùng vào ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu được điều chỉnh như sau: nếu thứ năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều chỉnh được thực hiện vào thứ 4 liền kề. Nếu ngày thứ năm trùng các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội  và đời sống nhân nhân, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cũng theo dự thảo, trước ngày 31.3 hằng năm, doanh nghiệp đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, gửi báo cáo tới Bộ Tài chính và Bộ Công thương để công bố vào ngày 1.7 hằng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở, điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành gần nhất tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.