Nhiều ngân hàng khát vốn đẩy lãi suất huy động lên cao để hút tiền, khiến doanh nghiệp lo sợ lãi vay sẽ tăng theo.
Ngân hàng đang tăng lãi suất huy động để hút mạnh tiền - Ảnh: D.Đ.Minh |
Anh Nguyễn (ngụ Q.5, TP.HCM) từ nhiều tháng nay gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng (NH) TMCP nhà nước với kỳ hạn 1 tháng. Cách đây mấy ngày, sổ tiết kiệm đáo hạn, nhân viên NH tư vấn gửi lại số tiền này kỳ hạn 3 tháng với lãi suất là 5,5%/năm, cộng thêm lãi suất bên ngoài là 0,3%/năm. Nếu gửi 6 tháng, lãi suất là 5,8%/năm cộng thêm 0,2%. So với trần lãi suất huy động mà NH Nhà nước đưa ra đối với kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm, NH này đã vượt rào lãi suất huy động.
Chạy đua lãi suất
Đây là cuộc đua tăng lãi suất lần thứ ba trong vòng 3 tháng nay. Các NH quy mô lớn tiếp tục điều chỉnh ở một số kỳ hạn tăng thêm 0,2 - 0,8%/năm. Ở kỳ hạn ngắn, biểu lãi suất mới của BIDV cao hơn 0,3% so với nhiều NH TMCP khác. Chẳng hạn so với Sacombank - NH cũng vừa tăng lãi suất giữa tuần này, lãi suất 3 tháng của BIDV ở mức 5,5% so với 5,3%; 9 tháng là 5,8% so với 5,5%, 12 tháng là 6,8% so với 6,6%. VietinBank cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 6,8%. Ở kỳ hạn dài, BIDV tăng lãi suất huy động tiền đồng lên tới 7 - 7,2%/năm, còn VietinBank lãi suất kỳ hạn 12 - 36 tháng là 6,8 - 7%/năm.
Tỷ lệ sử dụng vốn cho vay của các NH ở mức cao, vượt mức cho phép là nguyên nhân chính làm cuộc đua lãi suất huy động càng nóng hơn. Theo số liệu NHNN vừa công bố, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn huy động của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 89,31%, tăng 1,35% so với cuối năm 2015, tỷ lệ này ở từng khối còn cao hơn nữa. Cụ thể, ở NH TM nhà nước là 99,11%, tăng gần 1,9% so với cuối năm 2015; NH TMCP là 79,05%, tăng 0,56%; công ty tài chính, cho thuê tài chính 368,43% (tăng 0,77%); tổ chức tín dụng khác 105,92% (tăng 2,35%). Trong đó, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của khối NH TM nhà nước hiện nay đã vượt mức cho phép 90%.
Phó tổng giám đốc một NH cho rằng các NH lớn tham gia vào đợt tăng lãi suất gần đây với mức điều chỉnh nhiều lần, mỗi lần một ít dẫn đến các NH nhỏ cũng phải tăng lãi suất để giữ vốn, giữ thị phần. TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, phân tích việc tăng lãi suất trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng vốn cao cho thấy một số NH đang căng thẳng thanh khoản. Theo như kế hoạch, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2016 là 18 - 20% mà 2 tháng chưa đến 1%. Đồng thời, việc sửa đổi Thông tư 36 điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%, trong khi tỷ lệ này tại các NH đã gần mức 40% hoặc thậm chí cao hơn cũng là một lý do quan trọng khiến các NH tăng lãi suất huy động trung dài hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, nền kinh tế trong nước đang phục hồi, các dự án ký kết năm qua đến nay phải triển khai trong khi vốn doanh nghiệp (DN) đã cạn kiệt, chỉ biết dựa vào NH. Thị trường vốn chưa phát triển, việc cầu vốn của nền kinh tế gần như dựa hẳn vào NH khiến khả năng cung ứng vốn của NH, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn căng thẳng. Trong khi đó, hệ thống NH sau một thời gian dài khó khăn, thanh khoản cũng không còn dồi dào như trước. Để đáp ứng cầu vốn, tăng lãi suất là cách NH hút vốn nhanh nhất.
Doanh nghiệp lo sợ
Cuộc đua lãi suất huy động đã khiến nhiều DN lo sợ lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty xây dựng Lê Thành, cho biết lãi suất vay của công ty vẫn ở mức 11%/năm và chưa nghe NH báo điều chỉnh. Tuy nhiên, ông dự đoán lãi suất vay sẽ tăng trong thời gian ngắn sắp tới. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước, cho hay dù NH chưa báo nâng lãi suất khoản nợ đang vay nhưng ông như đang ngồi trên đống lửa vì NH vừa thông báo từ 1.4 tới sẽ chấm dứt gói vay bằng ngoại tệ (theo Thông tư 24 của NHNN). Là DN xuất khẩu, lâu nay Công ty Thuận Phước vay bằng USD, lãi suất 2%/năm. Nay phải chuyển sang vay bằng VND lãi suất 6 - 7%/năm chưa kể các loại phí nên ông Lĩnh lo ngại chi phí vốn sẽ tăng mạnh. “Lãi suất VND trong xu hướng tăng, trong khi giá thành nguyên liệu sản xuất đã cao hơn 20 - 30% so với Ấn Độ, giá càng tăng thì tính cạnh tranh của DN càng giảm. Lãi suất tăng thêm nữa sẽ khiến DN càng căng thẳng, không chịu đựng nổi”, ông Lĩnh phân tích.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, cho biết lãi suất khoản vay của công ty ông chưa tăng, nhưng một số công ty bạn của ông thì “đang lãnh đủ”. Ông kể, 3 - 4 tháng trước nhiều NH TMCP đã mời chào lãi suất cho vay hấp dẫn ở mức 6 - 6,5%/năm; nhưng chỉ được thời gian ngắn đã tăng lãi suất thêm 2 - 3% và không cho trả trước hạn, thu phí dịch vụ đắt đỏ. Ông cho biết, công ty có mối quan hệ lâu năm với vài NH nên có được một mức lãi suất khá ổn định: lãi suất vay kỳ ngắn hạn là 7 - 7,5%/năm, kỳ trung hạn là 10%/năm. “Lãi suất tăng cao trở lại như thời kỳ trước sẽ khiến DN mất ổn định, phát triển không bền vững”, ông lo lắng.
Theo chuyên gia Cao Sỹ Kiêm, lãi suất cho vay sẽ “dần dần đi lên” trong thời gian tới. Lãi suất tăng sẽ làm đội thêm chi phí vốn của DN, làm tăng giá thành, giảm lợi nhuận, khiến tính cạnh tranh của DN yếu đi. Đồng thời, DN sẽ co cụm lại, giảm vay để phát triển kinh doanh. Những DN thể trạng ốm yếu, không thích nghi được, thêm gáo nước lạnh này sẽ “quỵ” trước, những DN mạnh khỏe cũng sẽ chững lại để tính toán bước đi.
Tín dụng tăng 1,54%
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21.3, tăng trưởng tín dụng của các NHTM đạt 1,54% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 1,25%), huy động vốn tăng 2,26% (cùng kỳ năm trước tăng 0,94%), tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% (cùng kỳ năm trước tăng 2,09%). Trong tháng 3, chỉ số giá vàng tăng 4,87% so với tháng trước, tăng 7,79% so với tháng 12.2015 và tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD giảm 0,38% so với tháng trước, giảm 0,84% so với tháng 12.2015 và tăng 4,26% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, HSBC dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm trong quý 3 để chuyển sang phương thức thắt chặt tiền tệ. Bởi lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục đi lên, tăng từ 1,7% tháng 1 lên 1,9% trong tháng 2. HSBC dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng lên 3,3% vào cuối quý 2 và tăng mạnh lên 5,2% vào cuối năm, đạt mức trần mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
|
Bình luận (0)