Theo lời kể của chị H., kế toán một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, đầu tháng 7.2013, một đoàn khách của công ty chị đặt tour du lịch đi Cát Bà, Hải Phòng. Công ty sắp xếp cho khách ăn uống tại nhà hàng Lan Rừng (Hải Phòng), chi phí phải thanh toán là hơn 38 triệu đồng.
Ngày 15.7, chị H. ra một chi nhánh của Vietcombank tại Hà Nội chuyển khoản cho Lan Rừng, nội dung chuyển tiền ghi rõ "Chuyển tiền thanh toán công nợ đoàn khách du lịch tháng 6 cho nhà hàng Lan Rừng”, nhưng do sơ suất lại điền nhầm cả tên và tài khoản sang nhà hàng T.L có tài khoản tại VietinBank, chi nhánh Lê Chân, Hải Phòng. Ngay sau khi phát hiện mình chuyển sai, chị H. lập tức gọi điện cho nhân viên tại VietinBank chi nhánh Lê Chân, Hải Phòng nhờ chuyển trả lại. Cán bộ ngân hàng (NH) này lúc đầu trả lời nếu chuyển nhầm thì phải yêu cầu công ty nhận được (tức nhà hàng T.L) đến xác minh làm thủ tục chuyển trả lại.
Tuy nhiên, ngày 1.8 cán bộ NH gọi lại thông báo do nhà hàng T.L đang nợ NH, nên số tiền chuyển nhầm đã bị VietinBank Lê Chân “xiết” ngay khi thấy báo tiền trên tài khoản. “Cán bộ NH nói với tôi, thấy tiền về là họ xiết và NH không trả lại cho phía T.L để T.L trả lại cho công ty tôi nữa”, chị H. kể.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vụ việc này, Phó TGĐ VietinBank Lê Đức Thọ khẳng định nếu là nhầm lẫn, chỉ cần chị H. làm đơn đề nghị tra soát, NH sẽ rà soát lại giao dịch thanh toán. “Nếu đúng do nhầm lẫn và công ty lẽ ra được nhận và công ty đã nhận nhầm là độc lập, không liên quan gì đến nhau, không móc nối thì không có vấn đề gì cả. NH sẽ tra soát để trả lại tiền cho khách hàng”, ông Thọ khẳng định. Cũng theo ông Thọ, chị H. cứ làm đơn kiến nghị gửi lên VietinBank sẽ giải quyết một cách nhanh nhất.
Theo luật sư Trịnh Cẩm Bình (Đoàn luật sư Hà Nội), việc khách hàng ghi tên và tài khoản nhầm sang nhà hàng T.L đã rõ, nhưng nội dung thanh toán cũng có ghi là thanh toán cho đoàn du lịch tháng 6 của nhà hàng Lan Rừng. Điều này chứng tỏ NH nơi chị H. gửi đi đã không phát hiện ra sự mâu thuẫn này. “Để hoàn thành giao dịch thanh toán, NH không chỉ có giao dịch viên mà còn có các kiểm soát viên, thủ quỹ... Lẽ ra khi thấy có sự khác nhau phải đề nghị khách hàng giải thích và ghi phiếu chuyển tiền khác, nhưng họ đã không làm vậy cho thấy trong giao dịch còn nhiều kẽ hở”, luật sư Bình phân tích.
Về phía VietinBank Lê Chân, Hải Phòng, ông Bình cho rằng khi khách hàng phát hiện nhầm, phản ánh và kiến nghị trả lại thì phải trả, chứ không thể xiết nợ vì đó không phải tiền của T.L. “Nếu không trả lại cho người chuyển nhầm, cũng có thể quy vào tội danh chiếm đoạt tài sản. Chị H. có thể làm đơn kiến nghị NH Nhà nước và nhờ công an vào cuộc điều tra làm rõ” luật sư Bình tư vấn.
Anh Vũ
>> Đi tù vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội
>> Khởi tố 3 bị can làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền ngân hàng
>> Chiếm đoạt tiền, kế toán trưởng lãnh án
>> Phúc thẩm vụ cảnh sát hình sự chiếm đoạt tiền bắt bạc
>> Ngăn chặn nạn lừa chiếm đoạt tiền đền bù của dân
Bình luận (0)